Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 01/NQ-CP
Ngày ban hành 01/01/2020
Ngày có hiệu lực 01/01/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/NQ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 01 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội: số 85/2019/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2019 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; số 86/2019/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2019 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020,

QUYẾT NGHỊ:

Năm 2019, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, là năm thứ hai liên tiếp hoàn thành đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới; chất lượng tăng trưởng được nâng lên, hiệu quả đầu tư được cải thiện, năng suất lao động tăng 6,2%, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 46,11%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, xuất siêu năm thứ tư liên tiếp; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt kỷ lục 20,4 tỷ USD. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định, đạt được kết quả ấn tượng; xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%; thể dục thể thao đạt nhiều thành tích, truyền cảm hứng mạnh mẽ để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống nhân dân trên mọi miền đất nước chuyển biến tích cực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần quan trọng giữ gìn môi trường hòa bình, khẳng định vai trò, vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ, của kế hoạch 5 năm 2016-2020, chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2030, là năm tổ chức nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn, 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội khóa XV.

Tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, căng thẳng địa chính trị, xung đột thương mại giữa một số quốc gia, nền kinh tế lớn diễn biến phức tạp và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Ở trong nước, kế thừa thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ta ngày càng lớn mạnh, tình hình chính trị, xã hội ổn định, niềm tin của nhân dân được củng cố; tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Độ mở của nền kinh tế lớn trong khi năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao. Tình hình Biển Đông tiếp tục phức tạp, căng thẳng, khó lường. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống. Tinh thần trách nhiệm, ý thức nêu gương của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm, hành động từ Chính phủ đến các cấp, các ngành, các địa phương cần phải được phát huy mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp cả nước.

I. PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG VÀ TRỌNG TÂM CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ

Kế thừa những kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, thành tựu tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành từ đầu nhiệm kỳ, với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chiến lược 10 năm 2011-2020, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2020 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” với 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành:

1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật.

2. Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất, hiệu quả hơn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.

3. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thực chất hơn gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

4. Thực hiện nghiêm việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

5. Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

6. Chủ động thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, lan tỏa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp; phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đổi mới sáng tạo ở tất cả các ngành, các cấp; tổ chức tốt các sự kiện, lễ kỷ niệm lớn của đất nước.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NĂM 2020

1. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh

1.1. Thành lập Tổ công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xác định các vướng mắc, bất cập, chồng chéo và kịp thời sửa đổi, bổ sung để giải phóng mọi nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội.

1.2. Nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật thuộc Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020; khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh. Tăng cường phân cấp, giao quyền, giải phóng nguồn lực, đất đai, tài nguyên phục vụ cho phát triển.

1.3. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung khổ thể chế, pháp luật để phát triển đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học và công nghệ. Hoàn thiện các chuẩn mực tài chính, kế toán, kiểm toán, thẩm định giá và xếp hạng tín nhiệm phù hợp thông lệ quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực thanh toán, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công.

1.4. Nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách thử nghiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhằm phát triển thị trường các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, kinh tế chia sẻ, kinh tế số,... theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai công nghệ, mô hình kinh doanh mới, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp truyền thống, tăng tính thuận tiện trong hoạt động tiêu dùng của nhân dân.

1.5. Đổi mới cơ chế huy động, phân bổ, sử dụng để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Tập trung hoàn thiện các dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua, tạo môi trường pháp lý thuận lợi huy động mạnh mẽ nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân, thu hút có chọn lọc và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

1.6. Ban hành quy định về chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội mới trong năm 2020. Sửa đổi, bổ sung quy định về tự chủ tài chính, vị trí việc làm và việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đối với đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. Hoàn thiện cơ chế chính sách để chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước.

1.7. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quảng cáo, quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, đáp ứng yêu cầu quản lý và phù hợp với thực tiễn.

2. Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững

2.1. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi. Bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”. Phê duyệt và triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ