Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2017 về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố Cần Thơ

Số hiệu 12/CT-UBND
Ngày ban hành 10/11/2017
Ngày có hiệu lực 10/11/2017
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Võ Thành Thống
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 10 tháng 11 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ TIẾP TỤC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, KINH DOANH VÀ NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) CỦA THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Tiếp tục thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thành phố, tăng cường hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 Hội nghị Ban chấp hành TW Đảng khóa XII, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ và kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 09 tháng 7 năm 2012 của Thành ủy “Về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố Cần Thơ”, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng sở, ban, ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện đẩy mạnh triển khai các giải pháp đạt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thành phố trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó tập trung các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:

1. Quán triệt thực hiện và đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy, gắn với thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 Hội nghị Ban chấp hành TW Đảng khóa XII, Nghị quyết số 19-2017/NQ- CP ngày 06 tháng 02 năm 2017, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách thủ tục hành chính, đối thoại, tiếp nhận, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư,... hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch.

2. Duy trì nghiêm túc bố trí lịch làm việc của các Thủ trưởng sở, ban ngành thành phố, nhất là Thủ trưởng cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Thuế, Hải quan, Bảo Hiểm xã hội, Điện lực Cần Thơ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện vào sáng thứ Hai hàng tuần tại cơ quan để tiếp xúc và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cũng như tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ môi trường pháp lý, khởi sự doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định gắn với đổi mới sáng tạo, đảm bảo mục tiêu đạt 13.800 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vào năm 2020.

b) Khẩn trương hoàn thành danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020; đề xuất giải pháp gắn kết, thúc đẩy doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

c) Phát huy hiệu quả hoạt động Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Cần Thơ trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến cộng đồng doanh nghiệp các chủ trương, chính sách, mục tiêu, quan điểm của Nhà nước, Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố và tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp.

4. Sở Công Thương:

Tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển thị trường bán lẻ, xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các sản phẩm xuất khẩu để tạo kết nối doanh nghiệp tìm kiếm thông tin khi cần đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại; xây dựng các chính sách hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp khi tham gia vào các chương trình kết nối doanh nghiệp quốc tế, hội chợ trong nước và quốc tế.

5. Sở Khoa học và Công nghệ:

Đẩy mạnh việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ thông qua việc triển khai các chương trình khoa học và công nghệ; tập trung hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý nhà nước về mã số mã vạch đáp ứng với yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; phổ biến tuyên truyền về mã số mã vạch nhằm nâng cao nhận thức người sử dụng.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phương pháp định giá đất và khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp nhỏ và vừ a. Nghiên cứu, đề xuất chính sách mang tính đột phá trong việc tạo quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

7. Sở Thông tin và Truyền thông:

Định hướng cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền công tác hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn. Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan có văn bản chỉ đạo hoạt động của cơ quan báo chí theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp; xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây sức ép đối với doanh nghiệp.

8. Sở Tư pháp:

Tập trung nâng cao chất lượng công tác thẩm định và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo việc ban hành các văn bản đúng thủ tục, thực sự cần thiết, hợp lý, minh bạch và khả thi.

9. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường; công bố công khai quy hoạch du lịch để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển du lịch.

10. Sở Xây dựng:

Khẩn trương đề xuất, kiến nghị sửa đổi các quy định về cấp phép xây dựng và các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động quản lý xây dựng, góp phần giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính theo yêu cầu của Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ và Nghị quyết số 11-NQ/TU năm 2012 của Thành ủy; sớm triển khai cấp giấy phép xây dựng qua môi trường mạng.

11. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triễn lãm:

Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, đặc biệt tham mưu hiệu quả đối thoại giữa Chính quyền thành phố và doanh nghiệp theo các chủ đề ít nhất 02 lần/năm để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp.

12. Công an thành phố:

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính quy định về an ninh, trật tự; chủ động trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh để doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tại các doanh nghiệp chỉ được thực hiện trong trường hợp thực sự cần thiết và phải có quyết định của Thủ trưởng cơ quan công an có thẩm quyền theo quy định. Phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, trốn thuế, vi phạm pháp luật về môi trường,... góp phần tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng.

13. Cục Thuế thành phố:

[...]