Kế hoạch 28/KH-UBND năm 2019 thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU về tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 28/KH-UBND
Ngày ban hành 26/02/2019
Ngày có hiệu lực 26/02/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Lê Minh Chiến
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/KH-UBND

Bạc Liêu, ngày 26 tháng 02 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 12-NQ/TU NGÀY 18/12/2018 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TẬP TRUNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH (PCI) VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, KINH DOANH TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Tiếp tục duy trì những chỉ số thành phần tăng điểm và có thứ hạng tốt, quyết tâm cải thiện những chỉ số thành phần giảm điểm và có thứ hạng thấp; phấn đấu đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đến năm 2020 nằm trong tốp 20 địa phương tốt nhất cả nước và duy trì thứ hạng này trong những năm tiếp theo.

- Thông qua theo dõi kết quả chỉ số PCI để đánh giá công tác cải cách hành chính, đặc biệt là việc rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến lĩnh vực đầu tư, thành lập doanh nghiệp, đất đai... nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh; thành lập doanh nghiệp; thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

- Tiếp tục nâng cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp đối với việc cải thiện, nâng cao chỉ số PCI, phát huy tính năng động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt các quy định của Nhà nước phù hợp với tình hình của địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Quán triệt tư tưởng, nhận thức để tạo sự chuyển biến mạnh trong đội ngũ cán bộ, công chức về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ; cán bộ, công chức phải tận tụy, tâm huyết và thấu hiểu doanh nghiệp, sẵn sàng thay đổi thái độ, cách ứng xử theo hướng tích cực, thân thiện trong giao dịch với người dân và doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ.

- Việc thực hiện kế hoạch phải được triển khai quyết liệt, đồng bộ, kiên trì với sự nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp. Việc cải thiện điểm số và xếp hạng mỗi tiêu chí chỉ số thành phần của chỉ số PCI được giao cụ thể cho các đơn vị chủ trì hoặc tham gia. Các đơn vị có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thuộc lĩnh vực của ngành, cấp mình phụ trách.

- Thực hiện đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương để đánh giá tính sáng tạo và kết quả điều hành của các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (DDCI) năm 2019 đến năm 2020.

II. NỘI DUNG VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ:

1. Những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên trong năm 2019 và những năm tiếp theo:

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ: Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện cụ thể các nội dung thuộc thẩm quyền; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Quyết định, Chương trình, Kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện các Nghị quyết này (Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 28/6/2016; Quyết định số 724/QĐ-UBND ngày 21/4/2017; Quyết định số 112/QĐ-UBND ngày 29/6/2018; Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 16/8/2017; Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 28/02/2017; Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 01/6/2018; Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 27/6/2018); Bản cam kết giữa tỉnh Bạc Liêu với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

- Người đứng đầu các cấp, các ngành, đặc biệt là Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, rõ nét về tư duy, nhận thức, quan điểm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở cơ quan, đơn vị; quán triệt cho công chức, viên chức thuộc quyền về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp. Hàng năm, kiểm tra kết quả thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị và đánh giá trách nhiệm người đứng đầu.

- UBND tỉnh tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư định kỳ ít nhất 02 lần/năm để gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình “Cà phê doanh nhân” đến các huyện, thị xã, thành phố.

- Các hiệp hội doanh nghiệp nâng cao vai trò cầu nối, nắm bắt, phản ánh những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đến lãnh đạo tỉnh cũng như hiệu quả trong hoạt động xây dựng, phản biện chính sách, quy định của tỉnh.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động lựa chọn mô hình phù hợp để kết nối giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn ít nhất 04 lần/năm để tiếp thu, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý.

- Các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) bằng tờ rơi để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, đầy đủ, kịp thời... công khai minh bạch, đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình trên Cổng Thông tin điện tử của đơn vị. Đặc biệt, đối với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố công khai minh bạch quy trình, thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai khi thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

- Ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và một số dịch vụ ở mức độ 4. Trong thời gian tới, tiếp tục rút ngắn còn dưới 60% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến đất đai mà tỉnh đã cam kết với VCCI. Nâng cao trách nhiệm công vụ, giải quyết các TTHC của các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình thành lập, đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Triển khai hoạt động có hiệu quả Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện, góp phần giải quyết hồ sơ một cửa nhanh chóng, thuận tiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ trong công tác thanh, kiểm tra, tránh trùng lắp, gây phiền hà cho doanh nghiệp; Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 12/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh”, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, lạm dụng việc thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (Department and District Competitiveness Index - DDCI) tỉnh Bạc Liêu, sớm trình UBND tỉnh ban hành trong tháng 3 năm 2019 để triển khai thực hiện trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 08/8/2018 của UBND tỉnh “Về trợ giúp đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2019”. Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng lao động; cung ứng lao động cho các doanh nghiệp theo phương châm đáp ứng yêu cầu về số lượng và đảm bảo chất lượng. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về khởi nghiệp, kiến thức pháp luật, quảng bá thương hiệu sản phẩm, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài.

- Tăng cường mối quan hệ với VCCI và VCCI Cần Thơ để được tư vấn hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.

2. Về nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI):

2.1. Tập trung khắc phục và cải thiện các chỉ số thành phần giảm điểm, giảm thứ hạng năm 2017:

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ