Báo cáo 88/BC-LĐTBXH tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 88/BC-LĐTBXH
Ngày ban hành 24/09/2010
Ngày có hiệu lực 24/09/2010
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thanh Hòa
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 88/BC-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 2010

 

BÁO CÁO TỔNG KẾT

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VÌ SỰ TIẾN BỘ PHỤ NỮ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2006 – 2010 VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG GIAI ĐOẠN TỚI

Phần thứ nhất.

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM ĐẾN 2010

A. BỐI CẢNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC VÌ SỰ TIẾN BỘ PHỤ NỮ

1. Quy định của pháp luật

Trong 10 năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện trên cơ sở cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu của Đảng về bình đẳng giới và luật hóa các quy định liên quan trong Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

Cuối năm 2006, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007, đã tạo bước ngoặt có tính đột phá trong sự nghiệp bình đẳng giới ở Việt Nam. Đây là văn bản luật quy định tập trung nhất các nội dung về bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ. Tiếp theo đó, 3 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cũng đã được Chính phủ ban hành.

Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật mới soạn thảo hoặc sửa đổi, bổ sung đều phù hợp với các nguyên tắc bình đẳng giới, như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Đồng thời, Chính phủ đã thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào chiến lược, kế hoạch, các chương trình chung của quốc gia như Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010.

Riêng Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, ngày 24 tháng 7 năm 2006, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành quyết định số: 951/QĐ-BLĐTBXH về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giai đoạn 2006-2010. Trong đó, đã xác định trách nhiệm triển khai các nội dung của Mục tiêu 1 và phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện cụ thể cho các đơn vị phụ thuộc và trực thuộc Bộ.

Tiếp theo đó, là văn bản số: 2594/LĐTBXH-BVSTBPN, ngày 01 tháng 8 năm 2008 về việc thực hiện KHHĐ VSTBPN của Bộ đến năm 2010, để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động. Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giai đoạn 2006-2010 đến toàn ngành. Đồng thời hàng năm, đã xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức kiểm tra đôn đốc và tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Kế hoạch hành động nêu trên.

2. Về tình hình kinh tế - xã hội có tác động đến quá trình thực hiện Chiến lược và kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ:

Trong 5 năm qua, nhất là 3 năm gần đây, kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức. Khủng hoảng tài chính của một số nền kinh tế lớn trong năm 2008 đã đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái, làm thu hẹp đáng kể thị trường xuất khẩu, thị trường vốn, thị trường lao động và tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác của nước ta. Ở trong nước, thiên tai dịch bệnh xảy ra liên tiếp trên địa bàn cả nước cũng đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống dân cư.

Nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhạy bén, kịp thời, tập trung và quyết liệt của Đảng, Chính phủ; sự nỗ lực và chủ động khắc phục khó khăn, sự sáng tạo của các Bộ, Ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và của toàn dân nên chúng ta đã ngăn chặn được suy giảm kinh tế, và từng bước nâng cao được tốc độ tăng trưởng. Về cơ bản nước ta đã: (1) Ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, hợp lý, bền vững; (2) Giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát cao trở lại; (3) Bảo đảm an sinh xã hội, phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác. Trong đó, có sự đóng góp của Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, trong việc bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm; làm tốt chính sách người có công; giữ vững được thành quả giảm nghèo và cứu trợ xã hội. Thông qua đó, đã từng bước thực hiện nhiệm vụ lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong các nhiệm vụ chính trị của ngành một cách tích cực và hiệu quả.

3. Về nhận thức:

Bên cạnh những nỗ lực của các cấp các ngành và toàn xã hội trong quá trình triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, qua đó đã phần nào làm thay đổi tích cực nhận thức về bình đẳng giới trong toàn xã hội.

Tuy nhiên, định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân và trong một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức. Tư tưởng coi nam giới là “trụ cột” còn phụ nữ luôn gắn với vai trò nội trợ, chăm sóc gia đình đã dẫn đến cách nhìn lệch lạc về vai trò của mỗi giới, dẫn đến thiếu sự chia sẻ trách nhiệm giữa nam giới và phụ nữ trong công việc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội. Do đó khoảng cách giới còn khá lớn[1], bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại khá sâu sắc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, lãnh đạo và quản lý còn thấp, không đồng đều ở các lĩnh vực, chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ trong xã hội. Chênh lệch về thu nhập giữa lao động nam và nữ còn cao. Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới còn phổ biến ở nhiều lúc, nhiều nơi…

B. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VÌ SỰ TIẾN BỘ PHỤ NỮ GIAI ĐOẠN 2006-2010

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN MỤC TIÊU 1 CỦA KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM

1. Thực hiện các chỉ tiêu

Phát huy kết quả đã đạt được của 5 năm đầu thế kỷ 21, trong 5 năm qua Chính phủ đã có các giải pháp trong chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước một cách hiệu quả, đồng thời, các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố, cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân trong cả nước phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, kế hoạch về lao động, người có công và xã hội. Trong đó, có các nhiệm vụ, nội dung liên quan hoặc tác động trực tiếp đến kết quả việc thực hiện mục tiêu 1 của Chiến lược quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam đến năm 2010.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương thực hiện các biện pháp lồng ghép tạo việc làm cho phụ nữ trong việc triển khai, thực hiện các dự án, hoạt động trong Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Do đó, về cơ bản các chỉ tiêu của mục tiêu 1 đã được triển khai thực hiện và đạt được những kết quả khả quan. Đó là:

Chỉ tiêu 1: Phấn đấu đạt tỷ lệ 50% lao động nữ trong tổng số người được tạo việc làm mới.

Chỉ tiêu trên được cụ thể hóa tại Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành là: Giải quyết việc làm cho khoảng 8 triệu người (trong đó có 6 triệu chỗ làm việc mới), phấn đấu đạt tỷ lệ 50% lao động nữ trong tổng số người được tạo việc làm mới.

Năm năm qua, thông qua phát triển kinh tế tạo việc làm, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhà nước ta đã cơ bản hoàn thành kế hoạch về tạo việc làm cho người lao động.

Trong đó, số lao động được tạo việc làm mới hàng năm là:

 

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Dự kiến 2010

Cộng 5 năm

Tổng số người được giải quyết việc làm:

1.630.005

1.680.000

1.617.000

1.510.028

1.605.000

8.024.033

Trong đó nữ:

766.000

794.640

764.690

723.300

783.240

3.836.970

Tỷ lệ nữ trên tổng số

47,0%

47,3%

47,6%

47,9%

48,8%

47,71%

[...]