Nghị quyết 57/NQ-CP về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Chính phủ ban hành

Số hiệu 57/NQ-CP
Ngày ban hành 01/12/2009
Ngày có hiệu lực 01/12/2009
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------

Số: 57/NQ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020 THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 11-NQ/TW NGÀY 27 THÁNG 4 NĂM 2007 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CÔNG TÁC PHỤ NỮ THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bình đẳng giới ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,

QUYẾT NGHỊ

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ

GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020 THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 11-NQ/TW NGÀY 27 THÁNG 4 NĂM 2007 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CÔNG TÁC PHỤ NỮ THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ)

Vai trò và vị trí của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp phát triển và xây dựng đất nước luôn được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và đã được thể chế hóa thông qua hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm lợi ích chính đáng của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực. Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010 có vai trò cốt yếu trong khuôn khổ chung của Chính phủ nhằm thực hiện và duy trì bình đẳng giới, tạo điều kiện phát huy mọi tiềm năng, nâng cao vai trò, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ cũng như tạo điều kiện cần thiết để phụ nữ được hưởng các quyền cơ bản của mình một cách bình đẳng và đầy đủ.

Được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, các tầng lớp phụ nữ đã nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn vào những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước. Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ chiếm 50,2% tỷ trọng lao động trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, bảo đảm đời sống, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế. Trong các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, phụ nữ ngày càng có những đóng góp quan trọng. Phụ nữ đang là lực lượng lao động chính và trực tiếp trong các ngành công nghiệp may mặc, giày da, chế biến thủy hải sản xuất khẩu và trong việc khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống. Trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, phụ nữ cũng đã khẳng định vị thế của mình với tỷ lệ tham gia lao động là 51,8%. Phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, đưa nước ta trở thành điểm sáng về thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, được quốc tế đánh giá cao.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hóa, xã hội, phụ nữ chiếm 70% lực lượng cán bộ, giáo viên, giảng viên các trường và 57% lực lượng lao động ngành y tế.

Trong lĩnh vực chính trị, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng phát triển. Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu Châu Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Trước những thành quả trên, Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn của đất nước về bình đẳng giới nói chung và công tác phụ nữ nói riêng, vẫn còn nhiều vấn đề mới nảy sinh như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của phụ nữ còn nhiều bất cập trước yêu cầu của thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước; tỷ lệ cán bộ nữ quản lý, lãnh đạo ở các cấp còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng và sự đóng góp của phụ nữ; đời sống của một bộ phận phụ nữ còn khó khăn, đặc biệt phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; nhận thức của xã hội và của bản thân phụ nữ về bình đẳng giới còn nhiều hạn chế.

Để thúc đẩy các cơ hội cho phụ nữ phát triển và thụ hưởng từ các thành quả của mình, Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007; ngày 27 tháng 4 năm 2007, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết nêu rõ “phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn, chủ động hơn, đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng, đất nước và thực hiện bình đẳng giới”.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm xác định những nhiệm vụ chủ yếu của các cơ quan ở Trung ương và địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.

I. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2020

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương đối với công tác phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới nhằm phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn vào công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực; đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình. Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị về bình đẳng giới; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bình đẳng giới và sự phối hợp liên ngành thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ.

2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

3. Xây dựng, hoàn thiện pháp luật, chính sách, chương trình, dự án về bình đẳng giới và các giải pháp phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ.

a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển gia đình điển hình gương mẫu theo tiêu chí “gia đình văn hóa”;

b) Xây dựng hệ thống các mục tiêu quốc gia, chỉ tiêu về bình đẳng giới, công cụ theo dõi, đánh giá vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

[...]