Công văn 1802/BNN-TCCB năm 2013 góp ý dự thảo Đề án kiện toàn và nâng cao chất lượng công tác vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp, các ngành và dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 1802/BNN-TCCB
Ngày ban hành 30/05/2013
Ngày có hiệu lực 30/05/2013
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Xuân Thu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1802/BNN-TCCB
V/v góp ý dự thảo Đề án kiện toàn và nâng cao chất lượng công tác vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp, các ngành và dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới

Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2013

 

Kính gửi: Văn phòng Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam

Phúc đáp Công văn số 1664/LĐTBXH-BĐG ngày 16/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

Về cơ bản, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhất trí với các dự thảo. Để các văn bản được hoàn thiện hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có một số góp ý cụ thể:

1. Dự thảo Đề án "Kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp, các ngành"

- Bối cảnh chung

+ Trang 3, dòng thứ 6 từ dưới lên: Ngoài việc tham mưu với Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 1997 - 2000 và Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2001 - 2010, cần bổ sung việc tham mưu phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015.

+ Trang 4, dòng thứ 8 từ trên xuống: Luật bình đẳng giới có hiệu lực từ 1/7/2007 nên đến nay đã có hiệu lực gần 6 năm, không phải là 05 năm.

- Khoản 1, Điểm a, trang 5. "Xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung các pháp luật chuyên ngành…". Cần viết rõ nghĩa hơn, không ghi là pháp luật chuyên ngành.

- Khoản 3, Điểm a, trang 11, dòng thứ 13 từ dưới lên: Sửa lại câu như sau cho rõ nghĩa hơn "Ở cấp Trung ương, tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan Đảng, Quốc hội, một số cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hiện đạt 16,56% và ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đạt 8,47%".

- Khoản 3, Điểm b, trang 13, dòng thứ 9 từ dưới lên: Sửa lại câu "… thu nhập thực tế giữa lao động nam và nữ vẫn chênh lệch do lao động nữ ít có điều kiện làm việc trong những ngành, nghề đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, những nghề mang tính nặng nhọc, độc hại". Như vậy, để đảm bảo không có sự chênh lệch trong thu nhập thì cần tạo điều kiện để lao động nữ làm việc ở những nghề mang tính nặng nhọc, độc hại?

- Khoản 3, Điểm c, trang 14 và trang 15:

+ "Nữ thủ khoa chiếm 61,6% các kỳ tuyển sinh và tốt nghiệp đại học". Cần xem xét lại số liệu nữ thủ khoa kỳ tuyển sinh và nữ thủ khoa kỳ tốt nghiệp đại học cùng đạt 61,6%?.

+ Đề nghị xem xét lại về số liệu và cách viết về tỷ lệ nữ có trình độ thạc sĩ cho chính xác, thống nhất trong toàn bộ văn bản: Trang 14 viết: Năm 2011… đội ngũ nữ trí thức chiếm gần 30,53% số người có trình độ thạc sĩ. Tuy nhiên, ở trang 15 có viết năm 2007 trình độ thạc sĩ nữ là 30,53%.

+ Trang 15. Các số liệu về nữ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ… cần có số liệu cập nhật mới nhất, không nên dùng số liệu cũ từ năm 2007.

- Khoản 3, Điểm g, trang 17: "Trong gia đình ngày nay, người chồng đã biết chia sẻ với vợ mình công việc nhà, chăm sóc con; người vợ cũng đã chủ động chia sẻ với chồng gánh nặng kinh tế gia đình". Cần viết để thể hiện đúng với thực tế không phải tất cả các gia đình đã đạt được điều này và không mâu thuẫn với những nội dung viết ở dưới về các khuôn mẫu, định kiến giới còn tồn tại.

- Mục II, Khoản 3, trang 22;

+ Sửa "Có chỉ tiêu 13/21 không đạt kế hoạch" thành "có 13/21 chỉ tiêu không đạt kế hoạch".

+ Xem xét sửa lại cách viết "Trình độ học vấn, nghề nghiệp của phụ nữ thấp hơn so với nam giới…."

- Mục III, Khoản 2, trang 25. "Do cơ chế hoạt động… và sự hợp tác của các ngành thành viên". Cần sửa lại câu cho rõ nghĩa hơn, thế nào là các ngành thành viên?.

- Mục IV, Khoản 4, trang 28.

+ Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ từ trung ương đến địa phương là một trong những giải pháp, định hướng về công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đề nghị xem xét về vấn đề cán bộ chuyên trách công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ đối với các bộ/ngành. Tại Phần I, mục I, khoản 4 trang 19 cũng đã có đánh giá "Ở những đơn vị có cán bộ chuyên trách, các hoạt động được triển khai tích cực, bài bản và khá hiệu quả"

2. Dự thảo Tờ trình về việc ban hành "Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới

- Mục I, Khoản 4, trang 3: Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ làm chưa thay đổi nhiều…". Cần sửa lại: "… chưa làm thay đổi nhiều…"

- Mục I, Khoản 5, trang 5. "chưa có văn bản chính thức quy định thành lập tại các Ban Đảng, các cơ quan tư pháp,… nên còn hạn chế. Cần chỉnh sửa lại câu cho rõ nghĩa.

- Mục II, khoản 6, trang 6. Đảm bảo bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. ". Đề nghị xem xét về vấn đề cán bộ chuyên trách công tác bình đẳng và vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp, các ngành. Cần có quy định đối với đơn vị có số lượng cán bộ từ bao nhiêu trở lên thì phải có cán bộ chuyên trách, nếu chỉ ghi chung chung là bố trí đủ cán bộ thì sẽ khó trong việc thực hiện và công tác giám sát, đánh giá.

3. Dự thảo Chỉ thị của Ban bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới

- Dòng thứ ba từ dưới lên, trang đầu tiên: "Trình độ học vấn, nghề nghiệp của phụ nữ thấp hơn so với nam giới". Cần xem xét để sửa lại câu này tương tự như đã góp ý ở các phần trên.

- Nhiệm vụ thứ 6, trang 4:

[...]