Xác định phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trùng với hành lang an toàn đường bộ thế nào?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Xuân An Giang
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Xác định phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trùng với hành lang an toàn đường bộ thế nào? Phương án bảo vệ công trình hàng hải phải gửi cho ai?

Nội dung chính

    Xác định phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trùng với hành lang an toàn đường bộ thế nào?

    Căn cứ khoản 2 Điều 6 Nghị định 143/2017/NĐ-CP quy định như sau:

    Điều 6. Xác định phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trong một số trường hợp đặc biệt
    1. Trường hợp phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trùng với phạm vi bảo vệ các công trình phòng, chống lụt, bão, bảo vệ đê thì thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật về phòng, chống lụt, bão, pháp luật về đê điều.
    2. Trường hợp phạm vi bảo vệ luồng hàng hải trùng với hành lang an toàn đường bộ, đường sắt hoặc vượt qua mép bờ tự nhiên về phía bờ thì phạm vi bảo vệ luồng hàng hải được xác định đến mép bờ tự nhiên.
    3. Trường hợp phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trùng với hành lang an toàn đường thủy nội địa thì phạm vi bảo vệ luồng hàng hải được xác định đến phạm vi hành lang an toàn đường thủy nội địa.
    4. Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ công trình hàng hải trùng với hành lang an toàn cầu đường bộ, cầu đường sắt, đường dây điện, cáp treo thì thực hiện theo quy định có liên quan về bảo vệ hành lang an toàn cầu, đường dây điện, cáp treo.
    [...]

    Như vậy, xác định phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trong trường hợp đặc biệt phạm vi bảo vệ luồng hàng hải trùng với hành lang an toàn đường bộ, đường sắt hoặc vượt qua mép bờ tự nhiên về phía bờ thì phạm vi bảo vệ luồng hàng hải được xác định đến mép bờ tự nhiên.

    Xác định phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trùng với hành lang an toàn đường bộ thế nào?

    Xác định phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trùng với hành lang an toàn đường bộ thế nào? (Hình từ Internet)

    Phương án bảo vệ công trình hàng hải sau khi được tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình hàng hải phê duyệt phải gửi cho ai?

    Căn cứ khoản 3 Điều 8 Nghị định 143/2017/NĐ-CP quy định như sau:

    Điều 8. Phương án bảo vệ công trình hàng hải
    1. Nội dung phương án bảo vệ công trình hàng hải theo quy định tại Điều 125 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015, gồm các nội dung sau:
    a) Xác định phạm vi bảo vệ công trình hàng hải;
    b) Thiết lập báo hiệu hàng hải đối với công trình hàng hải;
    c) Nhân lực, địa chỉ, số điện thoại liên hệ trong thực hiện bảo vệ công trình hàng hải;
    d) Phương tiện, công cụ phục vụ việc bảo vệ công trình hàng hải;
    đ) Kế hoạch thực hiện bảo vệ công trình hàng hải và biện pháp kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư hoặc của người quản lý khai thác công trình;
    e) Biện pháp xử lý khi xảy ra hư hỏng, tai nạn hàng hải, sự cố hoặc hành vi vi phạm ảnh hưởng đến an toàn trong khai thác công trình hàng hải;
    g) Đề xuất nguyên tắc, cơ chế, cách thức phối hợp giữa chủ đầu tư hoặc người quản lý khai thác công trình với Cảng vụ hàng hải và cơ quan có thẩm quyền tại khu vực có công trình hàng hải.
    2. Thẩm quyền, trách nhiệm xây dựng, thẩm định và phê duyệt phương án bảo vệ công trình hàng hải
    a) Đối với các công trình hàng hải đang chuẩn bị đầu tư thì chủ đầu tư công trình tổ chức xây dựng phương án bảo vệ công trình hàng hải với các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này và bổ sung vào hồ sơ dự án để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt cùng với dự án đầu tư.
    b) Đối với các công trình hàng hải đã đưa vào khai thác, sử dụng nhưng chưa có phương án bảo vệ công trình hàng hải thì người quản lý khai thác, sử dụng công trình hàng hải có trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án bảo vệ công trình hàng hải với các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, đồng thời tổ chức thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình hàng hải.
    3. Phương án bảo vệ công trình hàng hải sau khi được tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình hàng hải phê duyệt phải gửi cho Cảng vụ hàng hải để kiểm tra, giám sát và phối hợp thực hiện.

    Theo đó, phương án bảo vệ công trình hàng hải sau khi được tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình hàng hải phê duyệt phải gửi cho Cảng vụ hàng hải để kiểm tra, giám sát và phối hợp thực hiện.

    Bảo vệ công trình hàng hải bao gồm hoạt động nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 124 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 quy định như sau:

    Điều 124. Bảo vệ công trình hàng hải
    1. Bảo vệ công trình hàng hải bao gồm hoạt động bảo đảm an toàn, chất lượng của công trình hàng hải; biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm công trình gây nguy hiểm đến tính mạng, gây thiệt hại tài sản của nhà nước và của nhân dân.
    2. Phạm vi bảo vệ công trình hàng hải bao gồm công trình, hành lang bảo vệ công trình, phần trên không, phần dưới mặt nước, phần dưới mặt đất có liên quan đến an toàn công trình và bảo đảm an toàn cho hoạt động hàng hải.
    3. Ngoài phạm vi bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải, việc xây dựng và mọi hoạt động khác không được gây ảnh hưởng đến an toàn sử dụng công trình cảng biển và luồng hàng hải.

    Như vậy, bảo vệ công trình hàng hải bao gồm các hoạt động sau:

    - Bảo đảm an toàn và chất lượng công trình hàng hải.

    - Phòng ngừa các hành vi xâm phạm.

    - Ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm công trình hàng hải có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người; Thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân.

    saved-content
    unsaved-content
    33