Việc lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm được thực hiện theo trình tự như thế nào?
Nội dung chính
Việc lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm được thực hiện theo trình tự nào?
Quy trình lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm được quy định tại Điều 16 Nghị định 45/2017/NĐ-CP quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm. Cụ thể gồm các bước:
1. Hằng năm, căn cứ kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm đã báo cáo cấp thẩm quyền năm trước, khả năng thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm hiện hành; dự kiến mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian 03 năm kế hoạch, các Bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát, đánh giá mức độ phù hợp với tình hình thực tế của kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm đã báo cáo cấp thẩm quyền năm trước, gửi cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch đầu tư cùng cấp; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính tổng hợp kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, tổng hợp, xác định trần chi ngân sách cho thời gian 03 năm kế hoạch. Nội dung báo cáo đánh giá bao gồm:
a) Xác định nhu cầu chi từng năm trong 03 năm kế hoạch của bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương mình, chi tiết theo chi tiêu cơ sở, chi tiêu mới, cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các lĩnh vực chi ngân sách theo quy định;
b) Dự kiến các giải pháp đảm bảo nguồn lực đáp ứng nhu cầu chi theo thứ tự ưu tiên đã xác định phù hợp với từng nguồn thu và nguồn ngân sách nhà nước;
c) Đề xuất, kiến nghị về điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách và nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước.
2. Hằng năm, căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính 05 năm, kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách năm hiện hành và dự báo cho thời gian 03 năm kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm của các bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ quan tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan kế hoạch và đầu tư xác định trần chi ngân sách cho các bộ, cơ quan, đơn vị; dự kiến số bổ sung cân đối và số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương trong thời gian 03 năm kế hoạch.
3. Trường hợp nhu cầu chi của các bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương lớn hơn khả năng nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước, cơ quan tài chính (đối với cân đối tổng thể ngân sách nhà nước và chi thường xuyên), cơ quan kế hoạch và đầu tư (đối với chi đầu tư phát triển) có thể yêu cầu các bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp cung cấp thêm thông tin, số liệu, thuyết minh, giải trình hoặc chủ trì, phối hợp làm việc với bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan để có các giải pháp huy động thêm các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách, rà soát, sắp xếp nhu cầu chi theo thứ tự ưu tiên hoặc điều chỉnh mức trần chi ngân sách đã thông báo, đảm bảo yêu cầu chi để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao của bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương phù hợp với khả năng cân đối các nguồn lực.
Thời gian cơ quan tài chính, kế hoạch và đầu tư làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương trùng với thời gian thảo luận dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
Trên đây là quy định về trình tự lập kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 45/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!