Việc áp dụng các điều ước quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ được quy định ra sao?

Việc áp dụng Điều ước quốc tế để giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Việc áp dụng Điều ước quốc tế để giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ được quy định như thế nào?

    Việc áp dụng Điều ước quốc tế để giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Khoản 2 Mục IVA Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP như sau:

    Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật sở hữu trí tuệ, thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

    2.1. Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là thoả thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thoả thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác (khoản 1 Điều 2 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế).

    2.2. Điều ước quốc tế bao gồm:

    a) Điều ước quốc tế đa phương

    Ví dụ:

    - Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, năm 1971.

    - Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1883, được sửa đổi năm 1979.

    - Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá, năm 1891 và Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá...

    b) Điều ước quốc tế song phương.

    Ví dụ:

    - Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, năm 2001.

    - Hiệp định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Thuỵ Sỹ, năm 2000.

    c) Điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương nêu trên có thể là Điều ước quốc tế riêng về bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc Điều ước quốc tế có nhiều nội dung khác nhau trong đó có nội dung về bảo hộ sở hữu trí tuệ.

    Ví dụ:

    - Công ước Berne, năm 1971 là Điều ước quốc tế đa phương riêng về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật.

    - Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là Điều ước quốc tế có nhiều nội dung khác nhau trong đó có nội dung về bảo hộ sở hữu trí tuệ (“Chương I: Thương mại hàng hoá, Chương II: Quyền sở hữu trí tuệ và Chương III: Thương mại dịch vụ...”).

    2.3. Điều kiện áp dụng Điều ước quốc tế

    a) Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên tại thời điểm xảy ra hành vi, sự kiện là đối tượng
    tranh chấp.

    b) Quy định của Điều ước quốc tế đó về sở hữu trí tuệ khác với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về cùng một vấn đề.

    Ví dụ: Về thời hạn bảo hộ quyền tác giả có sự khác nhau giữa quy định tại Điều 27 của Luật sở hữu trí tuệ và quy định tại khoản 4 Điều 4 của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Do có sự khác nhau như vậy, phải áp dụng quy định này của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ để giải quyết tranh chấp về quyền tác giả giữa cá nhân, tổ chức Việt Nam và cá nhân, tổ chức Hoa Kỳ.

    c) Đối với trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam có quy định giống với quy định của Điều ước quốc tế về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.

    d) Đối với trường hợp có những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ không được quy định trong luật Việt Nam thì áp dụng quy định tương ứng của Điều ước quốc tế.

    đ) Đối với trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ có sự tham gia của cá nhân, tổ chức của nước ngoài mà nước đó và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều là thành viên của Điều ước quốc tế thì áp dụng Điều ước quốc tế có hiệu lực sau, trừ giữa nước đó và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định hoặc thoả thuận khác.

    Ví dụ: Khoản 3 Điều 1 Chương II (Quyền sở hữu trí tuệ) Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ quy định:

    “Để bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách đầy đủ và có hiệu quả, mỗi Bên tối thiểu phải thực hiện Chương này và các quy định có nội dung kinh tế của:

    A. Công ước Geneva về bảo hộ người sản xuất bản ghi âm chống sự sao chép trái phép, năm 1971;

    B. Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật, năm 1971;

    C. Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, năm 1967;

    D....

    E. Công ước về phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh (1974)”.

    Do đó, khi giải quyết tranh chấp về quyền tác giả mà có sự tham gia của cá nhân, tổ chức Hoa Kỳ, thì phải áp dụng đồng thời các Điều khoản tương ứng của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và Công ước Berne.

    Trên đây là nội dung quy định về việc áp dụng Điều ước quốc tế để giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP.

    12