Vì sao khi thưởng Tết, người lao động phải nộp thuế thu nhập cá nhân nhiều hơn bình thường ?

Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Hàng tháng tôi đều đóng thuế thu nhập cá nhân. Thưởng Tết là ghi nhận thành quả lao động cả năm. Vì sao thưởng Tết, người lao động phải nộp thuế thu nhập cá nhân nhiều hơn?

Nội dung chính

    Vì sao khi thưởng Tết, người lao động phải nộp thuế thu nhập cá nhân nhiều hơn bình thường ?

    - Tiền thưởng Tết cho người lao động, căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Tiền thưởng tết về nguyên tắc là không mang tính bắt buộc. Việc thưởng bao nhiêu, thưởng như thế nào, điều kiện được thưởng…. do doanh nghiệp quyết định và công khai tại nơi làm việc.

    - Theo quy định tại Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi bổ sung 2012: “Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:

    - Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:

    + Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;

    + Các khoản phụ cấp, trợ cấp...

    + Tiền thù lao dưới các hình thức;

    + Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức;

    + Các khoản lợi ích khác mà đối tượng nộp thuế nhận được bằng tiền hoặc không bằng tiền;

    + Tiền thưởng...”.

    - Như vậy, việc phải nộp thuế trên số tiền thưởng tết được nhận là phù hợp với quy định của pháp luật vì đây là phát sinh thu nhập cho người lao động. Về nguyên tắc khi phát sinh thu nhập, cá nhân sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân đối với nhà nước (trừ một số trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật).

    - Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn thi hành, thưởng tết không phải là trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân (nếu mức thưởng tết đủ điều kiện để đóng thuế thu nhập cá nhân).

    - Về mức thưởng tết phải chịu thuế thu nhập cá nhân

    - Theo quy định tại khoản 1 Điều 19  Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi bổ sung 2012 về giảm trừ gia cảnh: “Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần sau đây:

    + Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm);
    + Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng”.

    - Mặt khác, theo Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế… và Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015, trường hợp cá nhân vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì tính giảm trừ gia cảnh một lần vào tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công.

    - Như vậy, nếu tổng tiền lương và tiền thưởng của bạn trong tháng cuối năm vượt quá 9 triệu đồng/tháng (trong trường hợp không có người phụ thuộc) thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

    - Nếu bạn có người phụ thuộc (như con dưới 18 tuổi, cha mẹ không còn sức lao động, không có thu nhập…) thì mỗi người phụ thuộc sẽ được giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng.

    Ví dụ: tổng mức thu nhập của bạn là 15 triệu đồng/tháng, bạn có 2 con nhỏ thì mức giảm trừ gia cảnh của bạn được tính là 9 triệu đồng + (3,6 triệu đồng x 2) = 16,2 triệu đồng. Như vậy, thu nhập của bạn (15 triệu đồng) thấp hơn mức giảm trừ gia cảnh (16,2 triệu đồng) nên bạn sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

    27
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ