Tự ý cải tạo khi thuê nhà ở xã hội có bị vi phạm quy định pháp luật không?
Nội dung chính
Tự ý cải tạo khi thuê nhà ở xã hội có bị vi phạm quy định pháp luật không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 65 Nghị định 16/2022/NĐ-CP vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà ở công vụ, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội cụ thể đối với hành vi tự ý cải tạo khi thuê nhà ở xã hội như sau:
Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà ở công vụ, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội
1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với người thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, thuê nhà ở xã hội có một trong các hành vi sau đây:
a) Tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở;
b) Sử dụng nhà ở không đúng mục đích ghi trong hợp đồng thuê nhà ở.
...
Theo đó, hành vi tự ý cải tạo khi thuê nhà ở xã hội khi thuê nhà ở xã hội sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với người thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo như quy định trên.
Bên cạnh đó, căn cứ điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt như sau:
Hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt
...
3. Trong Nghị định này, mức phạt tiền tối đa được quy định như sau:
a) Trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản là 1.000.000.000 đồng;
b) Trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà là 300.000.000 đồng;
c) Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 24; điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 59, điểm a khoản 3 Điều 64, Điều 65, khoản 1 (trừ điểm e) Điều 70 Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, đối với hành vi tự ý cải tạo khi thuê nhà ở xã hội sẽ bị xử phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
- Trong trường hợp tổ chức vi phạm hành vi tự ý cải tạo nhà ở khi thuê nhà ở xã hội sẽ bị xử phạt 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định trên.
Tự ý cải tạo khi thuê nhà ở xã hội có bị vi phạm quy định pháp luật không? (Hình từ Internet)
Cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội để cho thuê được vay vốn ưu đãi như thế nào?
Căn cứ theo Điều 26 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Luật Nhà ở 2023 thì được vay vốn ưu đãi theo quy định sau:
(1) Điều kiện được vay vốn
- Có khả năng trả nợ theo cam kết với tổ chức tín dụng cho vay vốn;
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với công trình nhà ở cần xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa;
- Có phương án sử dụng vốn, có giấy phép xây dựng đối với trường hợp yêu cầu phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
+ Trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định của pháp luật thì được xem xét cho vay vốn phù hợp với thời hạn được tồn tại của công trình;
- Thực hiện bảo đảm tiền vay bằng giá trị quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở hoặc tài sản khác theo quy định của pháp luật.
(2) Mức vốn vay:
- Mức cho vay tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư dự án hoặc phương án sử dụng vốn và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
(3) Thời hạn vay:
- Thời hạn cho vay tối đa không quá 20 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
(4) Lãi suất vay:
- Lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội bằng lãi suất cho vay đối với đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay;
- Lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận.
(5) Cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Luật Nhà ở 2023 thì được vay vốn ưu đãi đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 100/2024/NĐ-CP và phải lập dự án đầu tư.
- Không được kinh doanh sản phẩm nhà ở xã hội dưới hình thức mua bán.
- Trong quá trình triển khai, phải báo cáo về cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo định kỳ 03 tháng.
Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 4 Điều 85 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:
Ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê
...
4. Cá nhân được vay vốn ưu đãi theo quy định tại khoản 2 Điều này để tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê.
...
Như vậy, cá nhân được vay vốn ưu đãi để tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội để cho thuê dựa theo quy định như trên.
Bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu chung được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 134 Luật Nhàở 2023 quy định bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu chung như sau:
Bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu chung
1. Các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung có quyền và trách nhiệm bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình; trường hợp không xác định được phần quyền sở hữu của từng chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung thì trách nhiệm bảo trì, cải tạo được chia đều cho các chủ sở hữu. Việc bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu chung phải được các chủ sở hữu đồng ý; đối với nhà chung cư được thực hiện theo quy định của Luật này, Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.
2. Kinh phí bảo trì, cải tạo phần sở hữu chung được phân chia tương ứng với phần quyền sở hữu của từng chủ sở hữu, trừ trường hợp các chủ sở hữu có thỏa thuận khác. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì kinh phí bảo trì được thực hiện theo quy định tại Mục 4 Chương IX của Luật này.
Như vậy, bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu chung được thực hiện theo như quy định trên.