Từ ngày 15/11/2023, mức thu và cách sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm được quy định như thế nào?

Từ ngày 15/11/2023, mức thu và cách sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm được quy định như thế nào? Cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền thu phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm?

Nội dung chính

    Đã có Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm?

    Ngày 28/9/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 61/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm.

    Theo đó, Thông tư 61/2023/TT-BTC sẽ quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm (đăng ký biện pháp bảo đảm) đối với động sản (trừ chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay), tàu biển, cây hằng năm theo quy định tại Luật Trồng trọt, công trình tạm theo quy định tại Luật Xây dựng, gồm:

    - Phí đăng ký giao dịch bảo đảm.

    - Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.

    - Phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.

    Mức thu và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm từ 15/11/2023? (Hình từ Internet)

    Thông tư 61 về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm áp dụng đối với những đối tượng nào?

    Tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 61/2023/TT-BTC có quy định về đối tượng áp dụng gồm:

    Người nộp phí; tổ chức thu phí; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm đối với:

    - Động sản (trừ chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay);

    - Tàu biển;

    - Cây hằng năm theo quy định tại Luật Trồng trọt;

    - Công trình tạm theo quy định tại Luật Xây dựng.

    Lưu ý: Thông tư không áp dụng đối với các trường hợp sau:

    - Cá nhân, hộ gia đình đăng ký biện pháp bảo đảm vay vốn tại tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 116/2018/NĐ-CP;

    - Cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 99/2022/NĐ-CP có yêu cầu xóa đăng ký hoặc yêu cầu rút bớt một, một số tài sản bảo đảm để xóa đăng ký đối với tài sản này.

    - Chỉnh lý thông tin có sai sót trong nội dung đã được đăng ký do lỗi của cơ quan đăng ký theo quy định tại Điều 19 Nghị định 99/2022/NĐ-CP.

    - Xóa đăng ký theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 20 Nghị định 99/2022/NĐ-CP.

    - Hủy đăng ký đối với các trường hợp quy định tại Điều 21 Nghị định 99/2022/NĐ-CP

    - Cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm hoặc cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu cho cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền quy định tại Điều 52 Nghị định 99/2022/NĐ-CP.

    Mức thu và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm từ 15/11/2023?

    Theo đó, tại biểu mức thu phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm được ban hành kèm theo Thông tư 61/2023/TT-BTC có quy định về mức thu và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm từ 15/11/2023 như sau:

    Số TT

    Nội dung

    Mức thu

    1

    Phí đăng ký giao dịch bảo đảm

     

    a

    Đăng ký biện pháp bảo đảm lần đầu bằng động sản (trừ chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay), tàu biển, cây hằng năm, công trình tạm

    80.000 đồng/hồ sơ

    b

    Đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký

    60.000 đồng/hồ sơ

    c

    Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm, đăng ký thay đổi thông báo xử lý tài sản bảo đảm

    30.000 đồng/hồ sơ

    d

    Xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, xóa đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm

    20.000 đồng/hồ sơ

    đ

    Cấp bản sao văn bản chứng nhận nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm

    25.000 đồng/trường hợp

    2

    Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ chứng khoản đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay), tàu biển, cây hằng năm, công trình tạm

    30.000 đồng/hồ sơ

    3

    Phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm

     

    a

    Cấp mã số sử dụng để tự tra cứu một lần

     

    -

    Tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản

    10.000 đồng/lần

    -

    Tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản, tiêu chí nâng cao và được cơ quan đăng ký trích xuất dữ liệu

    2.000 đồng/giao dịch

    b

    Cấp mã số sử dụng để tự tra cứu thường xuyên

     

    -

    Tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản

    - 300.000 đồng/khách hàng/năm đối với yêu cầu cấp mã số trước ngày 01/7 hằng năm.

    - 150.000 đồng/khách hàng/năm đối với yêu cầu cấp mã số từ ngày 01/7 hằng năm.

    -

    Tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản, tiêu chí nâng cao và được cơ quan đăng ký trích xuất dữ liệu

    2.000 đồng/giao dịch

    Cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền thu phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm?

    Tại Điều 3 Thông tư 61/2023/TT-BTC có quy định về tổ chức thu phí như sau:

    Tổ chức thu phí

    1. Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải hoặc Chi cục Hàng hải, Cảng vụ Hàng hải theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu biển, tài sản khác theo quy định của pháp luật về hàng hải, pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

    2. Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay, tàu biển), cây hằng năm theo quy định tại Luật Trồng trọt, công trình tạm theo quy định tại Luật Xây dựng.

    3. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thu phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.

    4. Cơ quan có thẩm quyền cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu để tra cứu thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển theo quy định pháp luật về hàng hải thu phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm bằng tàu biển.

    Như vậy, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thu phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm bao gồm:

    - Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải hoặc Chi cục Hàng hải, Cảng vụ Hàng hải theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam.

    - Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.

    - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.

    - Cơ quan có thẩm quyền cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu để tra cứu thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển theo quy định pháp luật về hàng hải.

    Lưu ý: Thông tư 61/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/11/2023

    9