Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh bằng hộ chiếu đăng ký thường trú khi hộ chiếu Việt Nam bị mất hoặc hư hỏng quy định ra sao?

Dự kiến: Bổ sung trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh bằng hộ chiếu thường trú khi hộ chiếu Việt Nam bị mất hoặc hư hỏng? Thành viên trong hộ gia đình có mối quan hệ với chủ hộ gồm những ai?

Nội dung chính

    Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh bằng hộ chiếu đăng ký thường trú khi hộ chiếu Việt Nam bị mất hoặc hư hỏng quy định ra sao?

    Tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 55/2021/TT-BCA hướng dẫn Luật Cư trú; Thông tư 56/2021/TT-BCA quy định về biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú; Thông tư 57/2021/TT-BCA quy định về quy trình đăng ký cư trú có đề xuất về đăng ký thường trú có yếu tố nước ngoài như sau:

    Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú

    ...

    4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 9 như sau:

    “2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam mà người đó đã sử dụng để nhập cảnh Việt Nam lần gần nhất. Trường hợp hộ chiếu Việt Nam bị mất, hư hỏng thì phải có xác nhận của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đề nghị đăng ký thường trú hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

    3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp hoặc giấy tờ thay hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp nhập cảnh vào Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch và văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh quy định tại Điều 12 Thông tư này”

    ...

    Tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 55/2021/TT-BCA có quy định đăng ký thường trú có yếu tố nước ngoài như sau:

    Đăng ký thường trú có yếu tố nước ngoài

    ...

    2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam mà người đó đã sử dụng để nhập cảnh Việt Nam lần gần nhất.

    3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp nhập cảnh vào Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch và văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh quy định tại Điều 12 Thông tư này.

    Như vậy, theo dự thảo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam khi đăng ký thường trú mà hộ chiếu Việt Nam bị mất, hư hỏng thì phải có xác nhận của:

    - Cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đề nghị đăng ký thường trú

    - Hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

    Dự kiến: Bổ sung trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh bằng hộ chiếu đăng ký thường trú mà hộ chiếu Việt Nam bị mất hư hỏng? (Hình từ Internet)

    Có phải khi phát hiện khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ để được đăng ký cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú có quyền không hoàn trả lại lệ phí không?

    Tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 55/2021/TT-BCA hướng dẫn Luật Cư trú; Thông tư 56/2021/TT-BCA quy định về biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú; Thông tư 57/2021/TT-BCA có bổ sung thêm trường hợp cơ quan đăng ký cư trú có quyền từ chối giải quyết đăng ký cư trú như sau:

    Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú

    1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

    ...

    7. Cơ quan đăng ký cư trú có quyền từ chối giải quyết đăng ký cư trú, xác nhận thông tin về cư trú và không hoàn trả lại lệ phí (trường hợp đã nộp lệ phí) nếu phát hiện giấy tờ, tài liệu công dân đã cung cấp bị tẩy xóa, sửa chữa, làm giả, khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ để được đăng ký cư trú.”

    Tại khoản 5 Điều 3 Thông tư số 55/2021/TT-BCA có quy định trường cơ quan đăng ký cư trú có quyền hợp không hoàn trả lại lệ phí như sau:

    Tiếp nhận hồ sơ và thông báo về kết quả đăng ký cư trú

    ...

    5. Cơ quan đăng ký cư trú có quyền từ chối giải quyết đăng ký cư trú, xác nhận thông tin về cư trú và không hoàn trả lại lệ phí (trường hợp đã nộp lệ phí) nếu phát hiện giấy tờ, tài liệu công dân đã cung cấp bị tẩy xóa, sửa chữa, làm giả.

    Như vậy, dự thảo mới có bổ sung thêm trường hợp nếu phát hiện giấy tờ, tài liệu công dân đã cung cấp khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ để được đăng ký cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú có quyền từ chối giải quyết đăng ký cư trú, xác nhận thông tin về cư trú và không hoàn trả lại lệ phí (trường hợp đã nộp lệ phí).

    Thành viên có mối quan hệ với chủ hộ trong hộ gia đình bao gồm những ai?

    Tại khoản 2 Điều 1 Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 55/2021/TT-BCA hướng dẫn Luật Cư trú; Thông tư 56/2021/TT-BCA quy định về biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú; Thông tư 57/2021/TT-BCA có quy định những người có mối quan hệ với chủ hộ trong hộ gia đình như sau:

    Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú

    2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 6 như sau:

    “3. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở khác ngoài nơi thường trú, nơi tạm trú có trách nhiệm đến cơ quan đăng ký cư trú nơi đang sinh sống để cập nhật thông tin về nơi ở hiện tại trong Cơ sở dữ liệu về cư trú nếu nơi ở đó không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú theo quy định ”

    4. Mối quan hệ giữa thành viên hộ gia đình với chủ hộ trong hộ gia đình được xác định như sau: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ, cha chồng, mẹ chồng, cha nuôi, mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu; cụ nội, cụ ngoại, cháu nội, cháu ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột; người giám hộ, người được giám hộ, ở nhờ, ở mượn, ở thuê, cùng ở nhờ, cùng ở thuê, cùng ở mượn.

    Tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 55/2021/TT-BCA có quy định mối quan hệ giữa thành viên hộ gia đình với chủ hộ trong hộ gia đình được xác định như sau:

    Xác định mối quan hệ với chủ hộ và giải quyết một số trường hợp trong đăng ký cư trú

    ...

    4. Mối quan hệ giữa thành viên hộ gia đình với chủ hộ trong hộ gia đình được xác định như sau: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột; người giám hộ, ở nhờ, ở mượn, ở thuê, cùng ở nhờ, cùng ở thuê, cùng ở mượn.

    Như vậy, dự thảo mới có đề xuất bổ sung các thành viên có mối quan hệ với chủ hộ trong hộ gia đình bao gồm cha vợ, mẹ vợ, cha chồng, mẹ chồng, cha dượng, mẹ kế, con dâu, con rể, người được giám hộ.

    13