Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm theo dõi tình trạng việc làm của người lao động hay không?
Nội dung chính
Trung tâm dịch vụ việc làm có phải theo dõi tình trạng việc làm cho người lao động hay không?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động dịch vụ việc làm tại trung tâm dịch vụ việc làm như sau:
1. Trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận, lập hồ sơ các cơ quan, tổ chức và cá nhân đến đăng ký dịch vụ việc làm theo các Mẫu số 01, 01 a, 02, 03, 03a Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện theo dõi tình trạng việc làm cho người lao động được giới thiệu hoặc cung ứng tối thiểu 03 tháng hoặc trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động đối với những trường hợp thực hiện hợp đồng lao động dưới 03 tháng theo Mẫu số 04 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức cung cấp các dịch vụ và quản lý hoạt động dịch vụ việc làm tại trung tâm dịch vụ việc làm đảm bảo theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo quy định đó, trung tâm dịch vụ việc làm phải theo dõi tình trạng việc làm cho người lao động được giới thiệu. Việc trung tâm dịch vụ việc làm trả lời không rõ tình trạng việc làm của bạn là không đúng quy định pháp luật.
Trung tâm dịch vụ việc làm có phải theo dõi tình trạng việc làm cho người lao động hay không? (Hình từ internet)
Mức xử phạt đối với trung tâm dịch vụ việc làm không theo dõi tình trạng việc làm cho người lao động như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 12/2022/NĐ-CP vi phạm quy định về dịch vụ việc làm như sau:
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có một trong các hành vi sau đây:
a) Thông báo hoạt động dịch vụ việc làm không theo quy định của pháp luật;
b) Không niêm yết công khai bản sao được chứng thực từ bản chính giấy phép, quyết định thu hồi giấy phép tại trụ sở chính của doanh nghiệp;
c) Không theo dõi tình trạng việc làm của người lao động do doanh nghiệp giới thiệu hoặc cung ứng tối thiểu 03 tháng hoặc trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động đối với những trường hợp thực hiện hợp đồng lao động dưới 03 tháng.
Và Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, trung tâm dịch vụ việc làm không theo dõi tình trạng việc làm cho người lao động sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm được không?
Tại Điều 46 Luật việc làm 2013 quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.
3. Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, người lao động có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.