16:05 - 17/12/2024

Trộm cắp điện là gì? Trộm cắp điện là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện?

Trộm cắp điện là gì? Trộm cắp điện là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện?

Nội dung chính

    Trộm cắp điện là gì? Trộm cắp điện là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện?

    Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực 2024.

    Trong đó, căn cứ quy định tại khoản 51 Điều 4 Luật Điện lực 2024 thì trộm cắp điện là hành vi lấy điện không qua công tơ điện, cố ý tác động làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ điện và thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện, cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số đo điện năng hoặc hành vi khác cố ý phản ánh số liệu điện tiêu thụ không đúng thực tế.

    Đồng thời, Điều 9 Luật Điện lực 2024 quy định:

    Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện
    1. Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật này.
    2. Trộm cắp điện.
    3. Trộm cắp phương tiện, trang thiết bị điện.
    4. Phá hoại phương tiện, trang thiết bị điện, công trình điện lực.
    5. Sử dụng phương tiện, thiết bị, chất gây cháy, nổ, ăn mòn và hành vi khác làm hư hỏng, gây sự cố công trình điện lực.
    6. Đóng điện, cắt điện trái quy định của pháp luật.
    7. Vi phạm quy định về bảo vệ công trình điện lực, an toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
    8. Trồng cây, khoan, đào, đắp, xây dựng công trình, khai thác khoáng sản, neo đậu tàu, thuyền, xả nước thải, chất ăn mòn, thả diều, vật bay và các hoạt động khác vi phạm quy định của pháp luật về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực.
    9. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 69 của Luật này.
    10. Cung cấp thông tin không chính xác, thiếu minh bạch xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện.
    11. Cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sửa chữa, cải tạo, khắc phục sự cố đối với công trình điện lực, kiểm tra, giám sát hoạt động điện lực và sử dụng điện.
    12. Sách nhiễu, gây phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.

    Căn cứ quy định trên, trộm cắp điện là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.

    Trộm cắp điện là gì? Trộm cắp điện là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện?

    Trộm cắp điện là gì? Trộm cắp điện là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện? (Hình từ Internet)

    Hành vi trộm cắp điện có thể bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?

    Khoản 9 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định:

    Vi phạm các quy định về sử dụng điện
    ...
    9. Phạt tiền đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức như sau:
    a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng dưới 1.000kWh;
    b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 1.000kWh đến dưới 2.000kWh;
    c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 2.000kWh đến dưới 4.500kWh;
    d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 4.500kWh đến dưới 6.000kWh;
    đ) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 6.000kWh đến dưới 8.500kWh;
    e) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 8.500kWh đến dưới 11.000kWh;
    g) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 11.000kWh đến dưới 13.500kWh;
    h) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 13.500kWh đến dưới 16.000kWh;
    i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 16.000kWh đến dưới 18.000kWh;
    k) Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 18.000kWh đến dưới 20.000kWh.
    ...

    Căn cứ quy định trên, hành vi trộm cắp điện tùy vào số lượng điện trộm cắp mà có thể bị phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

    Lưu ý: Khoản 1 Điều 3 Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định:

    Các hình thức xử phạt
    1. Hình thức xử phạt chính
    Đối với từng hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức hoặc Đơn vị điện lực có hành vi vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
    a) Cảnh cáo;
    b) Phạt tiền.
    - Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong Nghị định này được áp dụng để xử phạt đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định đối tượng vi phạm là tổ chức hoặc Đơn vị điện lực. Khi xử phạt đối với tổ chức hoặc Đơn vị điện lực thì mức tiền phạt bằng 02 lần mức tiền phạt đối với cá nhân, cụ thể như sau:
    - Mức phạt tiền trong lĩnh vực điện lực tối đa là 50.000.000 đồng đối với cá nhân, 100.000.000 đồng đối với tổ chức hoặc Đơn vị điện lực;
    - Mức phạt tiền trong lĩnh vực an toàn đập thủy điện tối đa là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức; công trình đập thủy điện từ cấp II trở lên thì áp dụng 100%, từ cấp III trở xuống áp dụng 70% mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm an toàn đập thủy điện quy định tại Nghị định này;
    - Mức phạt tiền trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tối đa là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
    ...

    Như vậy, việc áp dụng mức phạt tiền còn tùy vào chủ thể thực hiện hành vi vi phạm là tổ chức hay cá nhân và mức phạt tiền được áp dụng bị giới hạn bởi mức phạt tiền tối đa theo quy định trên.

    Luật Điện lực 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2025.

    7