Tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất được quy định như thế nào theo quy định pháp luật hiện hành?

Tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất được quy định như thế nào theo quy định pháp luật hiện hành?

Nội dung chính

    Tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất được quy định như thế nào theo quy định pháp luật hiện hành?

    Vào ngày 3- 4-1991, bố tôi có mua một mảnh đất 370m2 từ người bác có họ xa, trên mảnh đất đó có ngôi nhà, công trình phụ, và vườn. Nhưng hợp đồng mua bán chỉ là giấy trao tay giữa hai bên, không có công chứng và không có ai làm chứng. Hợp đồng do người bán viết và ký, không có chữ ký của bố tôi. Hợp đồng gồm 1 bản đưa cho bố tôi, còn người bán không cầm bản nào cả. Bố tôi mua mảnh đất và tài sản trên đó bằng 4 vạn gạch và một khoản tiền mấy mấy trăm ngàn. Đến năm 2002, người bán lợi dụng sự thiếu chặt chẽ pháp lý của việc sang nhượng nhà đất đã có ý định lừa lật chúng tôi. Cụ thể là: người bán cho rằng bố tôi không còn giữ tờ giấy sang nhượng tài sản nhà đất mà người bán đã viết ngày 3/4/1991 khi bán nhà, đất cho chúng tôi . Người bán đã viết một giấy sang nhượng khác hẳn nội dung giấy viết cho chúng tôi, đồng thời người bán viết đơn trình UBND xã để đòi lại thửa đất mà người bán đã bán cho chúng tôi với lập luận rằng chỉ bán căn nhà nhưng không bán đất và muốn đòi lại phần đất vườn (có diện tích khoảng 160m2). Và chúng tôi không đồng ý với lập luận của người bán, yêu cầu người bán làm thủ thục chuyển nhượng cho chúng tôi toàn bộ mảnh đất và tài sản mà chúng tôi đã mua, chúng tôi có những bằng chứng sau: 1) Toàn bộ chi phí cho việc sang nhượng nhà đất mà người bán đòi hỏi, chúng tôi đã thanh toán sòng phẳng ngay khi người bán viết giấy sang nhượng và bàn giao nhà ngày 3/4/1991. 2) Nhà và đất chúng tôi mua đã sử dụng tính đến nay (năm 2013) là 22 năm. Trong 22 năm đó chúng tôi thực hiện nộp thuế sử dụng đất cho địa phượng đầy đủ. 3) Cư dân xung quanh thửa đất khẳng định sự thật và lẽ phải thuộc về chúng tôi. 4) Hiện nay, chúng tôi vẫn giữ hợp đồng mua bán gốc giữa hai bên. Hiện nay, chúng tôi chưa có giấy chứng nhân quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản đối với mảnh đất và tài sản trên mảnh đất đó. Vậy tôi xin hỏi toàn bộ mảnh đất và tài sản trên mảnh đất đó có thuộc về bố tôi không? Nếu không thì bố tôi được bao nhiêu? Chúng tôi nên tiến hành các bước thế nào để giải quyết tranh chấp?

    Tại thời điểm gia đình bạn tham gia giao dịch nêu trên thì pháp luật nghiêm cấm việc mua, bán đất đai dưới mọi hình. Người được chuyển quyền sở hữu nhà ở được quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.

    Đối với các giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 mặc dù hợp đồng được lập thành văn bản không có chứng thực của UBND có thẩm quyền thì pháp luật vẫn tôn trọng và bảo vệ.

    Theo khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị Quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH 10 ngày 24 tháng 8 năm 1998 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1 tháng 7 năm 1991 quy định về mua bán nhà ở giữa cá nhân với cá nhân như sau:

    (1) Trong trường hợp có tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà ở và thủ tục chuyển quyền sở hữu chưa hoàn tất, thì giải quyết như sau:

    - Nếu hình thức của hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng, thì hợp đồng được công nhận, các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng và phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu;

    - Nếu hình thức của hợp đồng không phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng, thì giải quyết như sau:

    + Nếu các bên chưa thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, thì hợp đồng bị huỷ bỏ;

    + Nếu bên mua đã trả đủ hoặc một phần tiền mua nhà mà bên bán chưa giao nhà hoặc bên bán đã giao toàn bộ hoặc một phần nhà mà bên mua chưa trả đủ tiền, thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng và phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Nếu bên mua chưa trả đủ tiền, thì phải trả cho bên bán khoản tiền còn thiếu tính theo giá trị của nhà ở đó theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Bên không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng mà có lỗi và gây thiệt hại, thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự.

    (2) Trong trường hợp thủ tục chuyển quyền sở hữu để thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở đã được hoàn tất, nhưng bên bán chưa giao nhà hoặc bên mua chưa trả đủ tiền, thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác; nếu bên mua chưa trả đủ tiền, thì phải trả cho bên bán khoản tiền còn thiếu tính theo giá trị của nhà ở đó theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Bên không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng mà có lỗi và gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự.

    Như vậy, trong trường hợp gia đình bạn vẫn giữ được hợp đồng mua bán nhà ở, đã thanh toán toàn bộ giá trị tài sản và nhận bàn giao toàn bộ nhà ở và tài sản trên đất thì việc giải quyết tranh chấp có cơ sở. Để bảo vệ quyền lợi của gia đình bạn, bố bạn có thể khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

    Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
    1
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ