Trả lời kiến nghị về việc không thu thuế nhà đất ở của người dân

Chuyên viên pháp lý Tô Quốc Trình
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Bộ Tài chính ban hành Công văn 158/BTC-CST trả lời đề xuất không thu thuế nhà đất ở của cử tri tỉnh Bình Thuận gửi trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Nội dung chính

    Thuế nhà đất là gì?

    Thuật ngữ "thuế nhà đất" hiện nay không có quy định, thuế nhà đất có thể hiểu là một trong các loại chi phí mà cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng chịu thuế bắt buộc phải nộp cho Nhà nước. Đây là một loại thuế gián thu, được áp dụng đối với nhà, đất ở, đất xây dựng công trình.

    Đối tượng nộp thuế là các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất ở, đất xây dựng công trình. Đất chịu thuế bao gồm đất ở, đất xây dựng công trình.

    *Lưu ý: Khái niệm trên chỉ mang tính chất tham khảo

    Trả lời kiến nghị về việc không thu thuế nhà đất ở của người dân (Hình ảnh từ Internet)

    Trả lời kiến nghị về việc không thu thuế nhà đất ở của người dân

    Ngày 06/01/2025, Bộ Tài chính ban hành Công văn 158/BTC-CST về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

    Công văn 158/BTC-CST

    Cụ thể, Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận do Ban dân nguyện chuyển đến tại Công văn 942/BDN ngày 06/11/2024, nội dung kiến nghị như sau:

    “Cử tri kiến nghị không thu thuế nhà, đất ở, trường hợp nếu có thu thuế thì thu trên tinh thần tự nguyện của người dân.”

    Theo đó, Bộ Tài chính trả lời như sau:

    - Hiến pháp 2013 quy định: 

    + Đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý (Điều 53); 

    + Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định (Điều 47); 

    + Quốc hội quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế (Điều 70). 

    - Luật Đất đai 2024 quy định: 

    + Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất (Điều 12); 

    + Một trong những nguyên tắc sử dụng đất là sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả (Điều 5). 

    - Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Cá nhân, pháp nhân được sử dụng đất và các tài sản khác thuộc sở hữu toàn dân đúng mục đích, có hiệu quả, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật (Điều 203).

    Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu và sử dụng bất động sản (BĐS), Nhà nước đã ban hành các khoản thu liên quan đến BĐS phát sinh trong cả 3 giai đoạn: xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trường hợp nộp 01 lần cho cả thời gian thuê, lệ phí trước bạ), sử dụng BĐS (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền thuê đất nộp hàng năm) và chuyển nhượng BĐS (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng). Tuy nhiên, các khoản thu trong quá trình sử dụng BĐS chưa áp dụng đối với nhà.

    Việc đánh thuế đối với nhà ở, đất ở xuất phát từ nguyên tắc đánh thuế theo lợi ích. Nhà ở, đất ở của tổ chức, cá nhân được bảo tồn, phát triển và sinh lời nhờ được hưởng lợi từ việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, kết cấu hạ tầng xã hội và phúc lợi xã hội do Nhà nước đầu tư. Từ đó, người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cần có trách nhiệm đóng góp với Nhà nước. Điều này là hợp hiến và hợp pháp. Việc thực hiện chính sách thuế liên quan đến BĐS trong thời gian qua đã góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với BĐS, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng BĐS tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững và phù hợp với thông lệ quốc tế.

    Thực hiện Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hưởng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các chính sách thuế liên quan đến BĐS để báo cáo các cấp có thẩm quyền vào thời điểm thích hợp, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến BĐS và đặt trong tổng thể cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021-2030.

    Các trường hợp được miễn thuế sử dụng đất ở 

    Căn cứ khoản 4, 5, 6, 7 và khoản 9 Điều 9 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 thì miễn thuế sử dụng đất ở trong các trường hợp sau:

    - Đất ở trong hạn mức tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

    - Đất ở trong hạn mức của người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945; thương binh hạng 1/4, 2/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 1/4, 2/4; bệnh binh hạng 1/3; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; mẹ Việt Nam anh hùng; cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ; vợ, chồng của liệt sĩ; con của liệt sĩ được hưởng trợ cấp hàng tháng; người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc da cam; người bị nhiễm chất độc da cam mà hoàn cảnh gia đình khó khăn.

    - Đất ở trong hạn mức của hộ nghèo theo quy định của Chính phủ.

    - Hộ gia đình, cá nhân trong năm bị thu hồi đất ở theo quy hoạch, kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được miễn thuế trong năm thực tế có thu hồi đối với đất tại nơi bị thu hồi và đất tại nơi ở mới.

    - Người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất trên 50% giá tính thuế.

    25
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ