Tổ chức có đất trồng cây lâu năm nhưng sử dụng không hết phần diện tích đất đó có được mở quầy hàng bán trái cây không?
Nội dung chính
Tổ chức có được mở quầy hàng bán trái cây trên đất trồng cây lâu năm không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất trồng cây lâu năm là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp, được sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng trong nhiều năm và cho thu hoạch một hoặc nhiều lần.
Theo Điều 218 Luật Đất đai 2024 và khoản 1 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì pháp luật cho phép việc sử dụng một phần diện tích đất của mục đích sử dụng đất chính (đất nông nghiệp) vào mục đích thương mại, dịch vụ. Việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất và đã được xác định tại các loại giấy tờ quy định tại Điều 10 Luật Đất đai 2024;
- Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính;
- Không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh;
- Hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường;
- Không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề;
- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định;
- Tuân thủ pháp luật có liên quan.
Đồng thời, theo điểm b khoản 2 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì một trong các điều kiện sử dụng đất kết hợp đa mục đích là diện tích đất sử dụng vào mục đích kết hợp không quá 50% diện tích đất sử dụng vào mục đích chính, trừ diện tích đất ở sử dụng kết hợp đa mục đích, tức là diện tích dùng để mở quầy hàng bán trái cây không quá 50% diện tích đất trồng cây lâu năm.
Như vậy, từ các quy định nêu trên, trong trường hợp tổ chức chỉ sử dụng ⅔ diện tích thửa đất để trồng cây lâu năm thì có thể áp dụng chế độ sử dụng đất nông nghiệp kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, cụ thể là sử dụng ⅓ diện tích còn lại để mở quầy hàng bán trái cây.
Tổ chức có đất trồng cây lâu năm nhưng sử dụng không hết phần diện tích đất đó có được mở quầy hàng bán trái cây không?(Hình Internet)
Tổ chức muốn mở quầy hàng bán trái cây trên đất trồng cây lâu năm có phải lập phương án sử dụng đất không?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 218 Luật Đất đai 2024 và khoản 3 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì khi thực hiện mở quầy hàng bán trái cây trên đất trồng cây lâu năm, tổ chức phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung phương án sử dụng đất kết hợp bao gồm:
+ Thông tin về người sử dụng đất;
+ Thông tin về thửa đất, khu đất đang sử dụng vào mục đích chính;
+ Thông tin về diện tích đất sử dụng kết hợp, gồm: vị trí, diện tích, mục đích sử dụng, thời gian sử dụng kết hợp;
+ Phương án xây dựng, cải tạo công trình đối với trường hợp sử dụng đất vào mục đích kết hợp có công trình xây dựng, gồm công trình xây dựng mới, công trình cải tạo công trình có sẵn;
+ Phương án tháo dỡ công trình, khôi phục lại để đủ điều kiện sử dụng đất vào mục đích chính khi hết thời hạn sử dụng vào mục đích kết hợp;
+ Cam kết, biện pháp theo quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; hạn chế ảnh hưởng bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường; không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề;
+ Sơ đồ, bản đồ có liên quan đến thửa đất, khu đất sử dụng vào mục đích kết hợp.
Như vậy, tổ chức muốn mở quầy hàng bán trái cây trên đất trồng cây lâu năm phải thực hiện lập phương án sử dụng đất.
Thủ tục đăng ký sử dụng đất nông nghiệp kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ mà người sử dụng là tổ chức như thế nào?
Thủ tục đăng ký sử dụng đất nông nghiệp kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ mà người sử dụng là tổ chức (TTHC cấp Tỉnh) được thực hiện theo tiểu mục 40 Mục B Phần II Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo Quyết định 2124/QĐ-BTNMT năm 2024 như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Tổ chức có nhu cầu sử dụng đất kết hợp đa mục đích chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm:
+ Văn bản đề nghị sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo Mẫu số 15 ban hành kèm theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP (bản chính);
+ Phương án sử dụng đất kết hợp; (bản chính, bản sao có chứng thực hoặc công chứng; trường hợp nộp trực tiếp bản sao không có chứng thực hoặc công chứng thì người nộp hồ sơ xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu).
+ Giấy chứng nhận đã cấp hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 (bản chính, bản sao có chứng thực hoặc công chứng; trường hợp nộp trực tiếp bản sao không có chứng thực hoặc công chứng thì người nộp hồ sơ xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu).
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Tổ chức nộp hồ sơ đăng ký đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh bằng một trong các cách sau:
+ Nộp trực tiếp tại cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh;
+ Nộp thông qua dịch vụ bưu chính công ích;
+ Nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công cấp tỉnh hoặc hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đối với trường hợp hồ sơ không yêu cầu nộp bản chính;
Bước 3: Xử lý hồ sơ:
- Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thẩm định phương án sử dụng đất kết hợp trình UBND cấp tỉnh.
- UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, chấp thuận phương án sử dụng đất kết hợp. Trường hợp không chấp thuận thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Thời gian phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp: không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đối với các xã miền núi, biên giới; đảo; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện tăng thêm 10 ngày.
Bước 4: Nhận kết quả