Tiếp viên hàng không được quy định chi tiết như thế nào theo pháp luật hiện hành?
Nội dung chính
Tiếp viên hàng không được quy định chi tiết như thế nào theo pháp luật hiện hành?
Tiếp viên hàng không được quy định tại Khoản 1 Điều 73 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006. Theo đó:
Tiếp viên hàng không là người thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho hành khách trong chuyến bay, phục vụ trên tàu bay theo sự phân công của người khai thác tàu bay hoặc người chỉ huy tàu bay nhưng không được thực hiện nhiệm vụ của thành viên tổ lái.
Nhiệm vụ cụ thể của tiếp viên hàng không đối với từng loại tàu bay do người khai thác tàu bay quy định. Người khai thác tàu bay phải bố trí đủ số lượng tiếp viên hàng không và phù hợp với loại tàu bay. Trên thực tế, công việc chính của các tiếp viên không chỉ là hướng dẫn khách, kiểm tra thiết bị an toàn bay, công tác hành chính (điền vào các biểu mẫu) mà còn phục vụ suất ăn, dọn dẹp bếp, toilet (trong các chuyến bay đường dài). Khi xảy ra các sự cố trong chuyến bay, tiếp viên cũng là người trấn tĩnh, giúp khách bớt căng thẳng, hướng dẫn cách thoát hiểm an toàn, và thường là người rời máy bay cuối cùng. Hoạt động, cách ứng xử của đội ngũ tiếp viên hàng không trên các chuyến bay là bộ mặt và cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ của một hãng hàng không.
Chính vì vậy, quá trình tuyển chọn, huấn luyện để trở thành tiếp viên hành không cũng được thực hiện hết sức nghiêm ngặt, yêu cầu tiêu chuẩn cao. Sau khi vượt qua vòng tuyển dụng, các ứng viên phải hoàn thành khóa tập huấn đào tạo tại Trung tâm huấn luyện bay, và được kiểm tra định kỳ hằng năm. Ngoài ra, các chương trình đào tạo tại nước ngoài sẽ dành cho các tiếp viên xuất sắc trong công việc và có kế hoạch nâng cao kiến thức bản thân.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về tiếp viên hàng không. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.