Tiếp nhận, phân loại xử lý tố cáo trong tố tụng hình sự được quy định như thế nào?

Tiếp nhận, phân loại xử lý tố cáo trong tố tụng hình sự được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định về vấn đề này?

Nội dung chính

    Tiếp nhận, phân loại xử lý tố cáo trong tố tụng hình sự được quy định như thế nào?

    Tiếp nhận, phân loại xử lý tố cáo trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT (có hiệu lực thi hành từ ngày 19/10/2018) quy định về phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành như sau:

    Khi nhận được tố cáo, cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo xem xét, phân loại xử lý như sau:

    - Đối với tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 10 ngày kể từ khi tiếp nhận tố cáo, 12 giờ đối với tố cáo quy định tại khoản 4 Điều 481 Bộ luật Tố tụng hình sự, phải tiến hành kiểm tra, xác minh về họ tên, địa chỉ của người tố cáo và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về tố cáo. Trường hợp người tố cáo trực tiếp đến tố cáo thì phải yêu cầu người tố cáo nêu rõ họ tên, địa chỉ, xuất trình giấy tờ tùy thân.

    Tố cáo đủ điều kiện thụ lý thì cơ quan, người có thẩm quyền thụ lý để giải quyết, thông báo việc thụ lý bằng văn bản cho người tố cáo nếu có yêu cầu.

    Tố cáo không đủ điều kiện thụ lý thì thông báo bằng văn bản cho người tố cáo về việc không thụ lý giải quyết tố cáo.

    - Tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển đơn hoặc biên bản ghi nội dung tố cáo và các tài liệu, chứng cứ liên quan cho cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo nếu có yêu cầu.

    - Không xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ, hoặc sử dụng họ tên của người khác; hoặc nội dung tố cáo đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết mà người tố cáo không đưa ra được chứng cứ mới. Nếu thông tin tố cáo không rõ tên người tố cáo nhưng cung cấp tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận đơn tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra phục vụ công tác quản lý.

    - Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật ngoài hoạt động tố tụng của người tiến hành tố tụng hoặc người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; tố cáo hành vi tố tụng của người không có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người không được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân khác thuộc cơ quan tiến hành tố tụng thì xử lý theo quy định của Luật Tố cáo.

     

    14