Thuê phòng trọ có phải là một loại giao dịch về nhà ở không?

Chuyên viên pháp lý Trương Thị Ngọc Duyên
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Thuê phòng trọ có phải là một loại giao dịch về nhà ở không? Việc thuê phòng trọ có bắt buộc phải lập hợp đồng thuê không?

Nội dung chính

    Thuê phòng trọ có phải là một loại giao dịch về nhà ở không?

    Theo cách hiểu thông thường, phòng trọ là một phòng trong nhà nguyên căn hoặc phòng ở được xây theo dãy để phục vụ nhu cầu thuê ở của khách, đây là địa điểm cung cấp chỗ ở, khi thuê, khách hàng sẽ trả một khoản phí, sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Có thể hiểu thuê phòng trọ cũng là hoạt động thuê nhà ở.

    Theo quy định tại Điều 117 Luật Nhà ở 2023 quy định giao dịch về nhà ở bao gồm mua bán, thuê mua, thuê, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở.

    Theo đó, thuê phòng trọ hay còn gọi là thuê nhà ở là một trong các loại giao dịch về nhà ở.

    Thuê phòng trọ có phải là một loại giao dịch về nhà ở không? (Hình từ Internet)

    Việc thuê phòng trọ có bắt buộc phải lập hợp đồng thuê không?

    Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015, quy định chung hình thức của hợp đồng được thể hiện dưới các dạng:

    - Bằng lời nói;

    - Bằng văn bản;

    - Bằng hành vi cụ thể

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 162 Luật Nhà ở 2023 thì các bên tham gia giao dịch nhà ở thỏa thuận lập hợp đồng thuê nhà ở (sau đây gọi là hợp đồng thuê phòng trọ) có các nội dung quy định tại Điều 163 Luật Nhà ở 2023.

    Dẫn chiếu đến Điều 163 Luật Nhà ở 2023 thì hợp đồng thuê phòng trọ do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây:

    - Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;

    - Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó.

    - Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp cho thuê nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;

    - Thời hạn và phương thức thanh toán tiền thuê nhà ở;

    - Thời gian cho thuê nhà ở;

    - Quyền và nghĩa vụ của các bên.

    - Cam kết của các bên;

    - Thỏa thuận khác;

    - Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;

    - Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;

    - Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.

    Như vậy, khi thuê phòng trọ cần lập hợp đồng thuê nhà ở và các bên phải lập thành văn bản theo quy định và lưu ý các nội dung cần có trong hợp đồng nêu trên.

    Có những trường hợp nào chấm dứt hợp đồng thuê phòng trọ?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 171 Luật Nhà ở 2023 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê phòng trọ như sau:

    - Hợp đồng thuê phòng trọ hết thời hạn; trường hợp trong hợp đồng không xác định thời hạn thì hợp đồng chấm dứt sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê thông báo cho bên thuê biết việc chấm dứt hợp đồng;

    - Các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;

    - Phòng trọ cho thuê không còn;

    - Bên thuê là cá nhân chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà khi chết, mất tích không có ai đang cùng chung sống;

    - Bên thuê là tổ chức giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động;

    - Phòng trọ cho thuê bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phòng trọ cho thuê thuộc trường hợp bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng để sử dụng vào mục đích khác.

    Bên cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê phòng trọ, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc các bên có thỏa thuận khác;

    - Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê phòng trọ.

    21
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ