Thuận tình ly hôn nhưng một bên không tham gia phiên họp thì thẩm phán có giải quyết nữa không?
Nội dung chính
Thuận tình ly hôn nhưng không tham gia phiên họp thẩm phán có giải quyết nữa không?
Thuận tình ly hôn được xác định là việc dân sự theo quy định tại Điều 361 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Việc giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn được tiến hành bằng phiên họp giải quyết việc dân sự.
Theo đó, căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 367 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì:
- Người yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án.
- Người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp người yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ.
Theo quy định này, người yêu cầu giải quyết việc thuận tình ly hôn phải có mặt tại phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc có thể ủy quyền cho người đại diện mình tham gia. Trường hợp muốn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt thì chị cũng có thể làm đơn yêu cầu giải quyết việc thuận tình ly hôn vắng mặt chị.
Trường hợp chị không có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt, không có mặt tại phiên họp và cũng không ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia phiên họp lần thứ nhất thì phiên họp sẽ bị hoãn giải quyết.
Cũng theo quy định tại Điều này, trường hợp người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự.
Như vậy, nếu lần thứ hai được Tòa triệu tập tham gia phiên họp mà vẫn vắng mặt thì việc ly hôn của chị sẽ bị đình chỉ giải quyết. Muốn được giải quyết phải nộp hồ sơ yêu cầu Tòa án thụ lý việc dân sự lại từ đầu theo thủ tục giải quyết việc dân sự.
Thuận tình ly hôn nhưng một bên không tham gia phiên họp thì thẩm phán có giải quyết nữa không? (Hình từ Internet)
Nội dung của đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;
- Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);
- Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;
- Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.