Thủ tục xin trích lục bản đồ địa chính được thực hiện như thế nào?

Bản đồ địa chính là gì? Bản đồ địa chính thể hiện các yếu tố nội dung chính nào? Thủ tục xin trích lục bản đồ địa chính được thực hiện như thế nào?

Nội dung chính

    Bản đồ địa chính là gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai 2024, bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các đối tượng địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính cấp xã hoặc theo đơn vị hành chính cấp huyện nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

    Thủ tục xin trích lục bản đồ địa chính được thực hiện như thế nào?

    Thủ tục xin trích lục bản đồ địa chính được thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)

    Bản đồ địa chính thể hiện các yếu tố nội dung chính nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, các yếu tố nội dung chính thể hiện trên bản đồ địa chính bao gồm:

    - Khung bản đồ;

    - Điểm khống chế tọa độ, độ cao Quốc gia các hạng, điểm địa chính, điểm khống chế ảnh ngoại nghiệp, điểm khống chế đo vẽ có chôn mốc ổn định;

    - Mốc địa giới hành chính, đường địa giới hành chính các cấp;

    - Mốc giới quy hoạch; chỉ giới hành lang bảo vệ an toàn giao thông, thủy lợi, đê điều, hệ thống dẫn điện và các công trình công cộng khác có hành lang bảo vệ an toàn;

    - Ranh giới thửa đất, loại đất, số thứ tự thửa đất, diện tích thửa đất;

    - Nhà ở và công trình xây dựng khác: chi thể hiện trên bản đồ các công trình xây dựng chính phù hợp với mục đích sử dụng của thửa đất, trừ các công trình xây dựng tạm thời. Các công trình ngầm khi có yêu cầu thể hiện trên bản đồ địa chính phải được nêu cụ thể trong thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình;

    - Các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất như đường giao thông, công trình thủy lợi, đê điều, sông, suối, kênh, rạch và các yếu tố chiếm đất khác theo tuyến;

    - Địa vật, công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội và ý nghĩa định hướng cao;

    - Dáng đất hoặc điểm ghi chú độ cao (khi có yêu cầu thể hiện phải được nêu cụ thể trong thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình);

    - Ghi chú thuyết minh.

    Thủ tục xin trích lục bản đồ địa chính được thực hiện như thế nào?

    Người dân có thể xin trích lục bản đồ địa chính từ thông tin, dữ liệu đất đai trên hệ thống thông tin quốc gia về đất đai. Theo quy định tại Điều 60 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai từ hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thực hiện như sau:

    Bước 1: Nộp hồ sơ:

    - Thành phần hồ sơ:

    + Văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân đề nghị cung cấp dữ liệu đất đai hoặc

    + Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai (Tải về) theo Mẫu số 13/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

    + Hợp đồng cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai theo quy định của pháp luật.

    - Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

    Lưu ý: Trích lục bản đồ địa chính chỉ được sử dụng đúng mục đích như đã ghi trong phiếu yêu cầu cung cấp thông tin hoặc văn bản yêu cầu hoặc hợp đồng và không được cung cấp để sử dụng vào mục đích khác.

    Việc nộp văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai tới cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai theo một trong các phương thức sau:

    (1) Nộp trên Cổng thông tin đất đai quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh;

    (2) Nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường công văn, điện tín, qua dịch vụ bưu chính;

    (3) Nộp thông qua các phương tiện điện tử khác theo quy định của pháp luật.

    Bước 2: Tiếp nhận, xử lý và thông báo phí, giá sản phẩm, dịch vụ cung cấp thông tin đất đai:

    Cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo phí, giá sản phẩm, dịch vụ cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân.

    Trường hợp từ chối cung cấp thông tin, dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai biết trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.

    Bước 3: Thực hiện nộp phí, giá sản phẩm, dịch vụ cung cấp thông tin đất đai:

    Tổ chức, cá nhân thực hiện nộp phí, giá sản phẩm, dịch vụ cung cấp thông tin đất đai theo thông báo phí (nếu có).

    Bước 4: Trả kết quả, thực hiện cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai theo yêu cầu.

    Cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai theo yêu cầu.

    Thời hạn trả kết quả như sau:

    (1) Đối với thông tin, dữ liệu có sẵn trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thì cung cấp ngay trong ngày làm việc. Trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp vào ngày làm việc tiếp theo;

    (2) Đối với thông tin, dữ liệu không có sẵn trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thì chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai phải thực hiện cung cấp thông tin, dữ liệu hoặc gửi thông báo về việc gia hạn thời gian cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai cho tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai.

    Trường hợp cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai cần thêm thời gian để xem xét, tìm kiếm, tập hợp, tổng hợp, phân tích hoặc lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan thì có thể gia hạn nhưng tối đa không quá 15 ngày làm việc;

    (3) Trường hợp cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai và tổ chức, cá nhân có thỏa thuận riêng về việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai thì thời gian cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai được xác định theo thỏa thuận.

    Bước 5: Người yêu cầu nhận kết quả

    Cách thức nhận kết quả:

    - Trên Cổng thông tin đất đai quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh;

    - Trực tiếp hoặc gửi qua đường công văn, điện tín, qua dịch vụ bưu chính;

    - Thông qua các phương tiện điện tử khác theo quy định của pháp luật.

    Kết quả nhận được là thông tin, dữ liệu đất đai trên giấy hoặc bản điện tử.

    Lưu ý:

    + Cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai ở địa phương là Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Đối với địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, UBND cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai từ hồ sơ địa chính theo phân cấp quản lý hồ sơ địa chính.

    + Cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai ở trung ương là Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai trực thuộc Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

    56