Thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội được thực hiện theo trình tự nào?

Chuyên viên pháp lý Lê Bá Phong
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyển đổi công năng nhà ở sinh viên hoặc nhà ở công nhân sang nhà ở xã hội để thực hiện cho thuê, thuê mua, bán nhà ở có cần quyết định của Thủ tướng Chính phủ không?

Nội dung chính

    Chuyển đổi công năng từ nhà ở sinh viên hoặc nhà ở công nhân sang nhà ở xã hội có cần quyết định của Thủ tướng Chính phủ?

    Theo điểm d khoản 1 Điều 124 Luật Nhà ở 2023, trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép chuyển đổi công năng nhà ở trong một số trường hợp. 

    Cụ thể, theo khoản 1 Điều 57 Nghị định 95/2024/NĐ-CP, việc chuyển đổi công năng từ nhà ở sinh viên hoặc nhà ở công nhân sang nhà ở xã hội để thực hiện cho thuê, thuê mua, bán nhà ở theo quy định của pháp luật về phát triển và quản lý nhà ở xã hội phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

    Trình tự thực hiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội như thế nào?

    Trình tự thực hiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội để thực hiện cho thuê, thuê mua, bán nhà ở được quy định tại tiết 1 tiểu mục I Mục A Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục được thay thế trong lĩnh vực nhà ở thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của bộ xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 891/QĐ-BXD năm 2024 như sau:

    - Chủ đầu tư dự án lập 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 51 Nghị định 95/2024/NĐ-CP gửi đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở.

    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra hồ sơ và gửi lấy ý kiến các cơ quan có liên quan của địa phương trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định:

    + Nếu đủ điều kiện thì có văn bản kèm theo hồ sơ gửi Bộ Xây dựng; 

    - Nếu hồ sơ không đủ điều kiện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nêu rõ lý do để trả lời đơn vị nộp hồ sơ đề nghị biết;

    - Bộ Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

    + Nếu phải bổ sung, làm rõ các nội dung của đề án thì Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm rõ các nội dung theo yêu cầu; 

    + Nếu cần lấy ý kiến các cơ quan liên quan thì Bộ Xây dựng gửi lấy ý kiến góp ý và các cơ quan được gửi lấy ý kiến phải có văn bản trả lời trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Xây dựng. 

    Lưu ý: Thời gian bổ sung, làm rõ các nội dung không tính vào thời gian giải quyết thủ tục quy định tại nội dung này. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, Bộ Xây dựng có tờ trình kèm theo hồ sơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép chuyển đổi công năng nhà ở.

    + Nếu không đủ điều kiện chuyển đổi công năng thì Bộ Xây dựng phải có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nêu rõ lý do để trả lời đơn vị nộp hồ sơ biết;

    - Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng nhà ở thì thực hiện như sau:

    + Nếu nhà ở thuộc diện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 Nghị định 95/2024/NĐ-CP thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở có văn bản kèm theo văn bản của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Xây dựng đề nghị chấp thuận việc chuyển đổi công năng nhà ở; trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Xây dựng có văn bản chấp thuận chuyển đổi công năng nhà ở. Thời gian Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi văn bản và Bộ Xây dựng chấp thuận tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Thủ tướng Chính phủ.

    + Nếu nhà ở thuộc diện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 Nghị định số 95/2024/NĐ-CP thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ văn bản cho phép của Thủ tướng Chính phủ để có văn bản chấp thuận chuyển đổi công năng nhà ở. Thời gian Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Thủ tướng Chính phủ.

    Thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội được thực hiện theo trình tự nào?

    Thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội được thực hiện theo trình tự nào?(Hình Internet)

    Hồ sơ đề nghị chuyển đổi công năng từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội gồm những thành phần nào?

    Theo quy định tại tiết 1 tiểu mục I Mục A Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục được thay thế trong lĩnh vực nhà ở thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của bộ xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 891/QĐ-BXD năm 2024, hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội  để thực hiện cho thuê, thuê mua, bán nhà ở là 01 bộ hồ sơ gồm những thành phần sau đây:

    - Văn bản đề nghị chuyển đổi công năng nhà ở được lập theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 95/2024/NĐ-CP ;

    - Đề án chuyển đổi công năng nhà ở bao gồm các nội dung sau đây:

    + Địa chỉ, số lượng nhà ở cần chuyển đổi; 

    + Nguyên nhân, sự cần thiết phải chuyển đổi công năng nhà ở, thời gian thực hiện việc chuyển đổi, loại nhà ở sau khi chuyển đổi, phương án quản lý sử dụng nhà ở sau khi chuyển đổi (cho thuê, cho thuê mua hoặc bán theo quy định pháp luật về nhà ở), trách nhiệm thực hiện của các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có) và các nội dung khác có liên quan;

    - Nếu chuyển đổi nhà ở trong dự án thì phải có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của cơ quan có thẩm quyền, giấy tờ nghiệm thu đưa nhà ở vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng; 

    Trường hợp chuyển đổi nhà ở không được đầu tư xây dựng theo dự án thì phải có hồ sơ quản lý, sử dụng nhà ở đó.

    75
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ