Thủ tục sang tên sổ đỏ từ bố mẹ sang con? Điều kiện thực hiện các quyền tặng cho quyền sử dụng đất cho con là gì?
Nội dung chính
Thủ tục sang tên sổ đỏ từ bố mẹ sang con
Trường hợp bố mẹ tặng đất cho con thì phải làm thủ tục sang tên sổ đỏ từ bố mẹ sang con.
Thủ tục sang tên sổ đỏ từ bố mẹ sang con được thực hiện như sau:
Sang tên sổ đỏ từ bố mẹ sang con được thực hiện theo Điều 37 Nghị định 101/2024/NĐ-CP như sau:
(1) Chuẩn bị hồ sơ sang tên sổ đỏ
Theo quy định tại Điều 29 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, thành phần hồ sơ cần chuẩn bị gồm:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP.
- Giấy chứng nhận đã cấp.
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo Mẫu 03/BĐS-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC (áp dụng đối với trường hợp người chuyển nhượng là hộ gia đình, cá nhân).
Trường hợp thuộc diện miễn thuế thu nhập cá nhân thì phải có các giấy tờ làm căn cứ xác định thuộc đối tượng được miễn thuế theo quy định.
- Bản chính Tờ khai lệ phí trước bạ nhà, đất theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 140/2016/NĐ-CP.
- Văn bản về việc đại diện theo quy định của pháp luật về dân sự đối với trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất thông qua người đại diện.
(2) Nộp hồ sơ
Người đăng ký nộp bộ hồ sơ đăng ký biến động đất đai tại một trong các cơ quan sau đây:
- Bộ phận Một cửa của UBND cấp tỉnh.
- Văn phòng đăng ký đất đai
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ gửi thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;
(3) Chi trả các khoản phí
Sau khi nhận được thông báo nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ của cơ quan thuế, người sử dụng đất thực hiện nộp tiền thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ vào ngân sách nhà nước và gửi các chứng từ nộp thuế, lệ phí trước bạ hoặc xác nhận của cơ quan thuế về việc được miễn thuế, lệ phí trước bạ cho Văn phòng đăng ký đất đai nơi đã nộp hồ sơ đăng ký biến động.
(4) Nhận kết quả
Căn cứ tại điểm a khoản 2 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định, thời hạn thực hiện thủ tục sang tên là không quá 10 ngày làm việc.
Như vậy, thủ tục sang tên sổ đỏ từ bố mẹ sang con được thực hiện như trên.
Thủ tục sang tên sổ đỏ từ bố mẹ sang con? Điều kiện thực hiện các quyền tặng cho quyền sử dụng đất cho con là gì? (Hình từ internet)
Điều kiện thực hiện các quyền tặng cho quyền sử dụng đất cho con là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định liên quan tới điều kiện thực hiện các quyền tặng cho quyền sử dụng đất như sau:
Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
d) Trong thời hạn sử dụng đất;
đ) Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định pháp luật, điều kiện để tặng cho quyền sử dụng đất là:
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định pháp luật);
- Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết theo quy định pháp luật;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án;
- Đất còn trong thời hạn sử dụng;
- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Cho tặng đất cho con, bố mẹ có cần chữ ký đồng thuận của những người con khác?
Trường hợp 1: Đất là tài sản chung của bố mẹ
Căn cứ tại khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ chồng bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
Tải sản chung của vợ chồng bao gồm những tài sản sau đây: tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Cụ thể, quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn sẽ là tài sản chung, trừ khi một trong hai vợ chồng nhận thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng của mình.
Theo quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, vợ chồng sẽ thoả thuận về việc định đoạt, sử dụng tài sản chung là bất động sản phải có sự thoả thuận bằng văn bản của vợ chồng.
Vì vậy, trong trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của bố mẹ, khi bố mẹ tặng đất cho con, việc thực hiện giao dịch này sẽ phụ thuộc vào sự thống nhất giữa bố và mẹ. Cả hai bên cần có sự đồng thuận về việc tặng cho tài sản và không bắt buộc phải xin ý kiến hay sự đồng ý của bất kỳ ai khác, kể cả các con khác trong gia đình. Theo đó, việc tặng đất cho con được thực hiện mà không cần chữ ký của các thành viên khác, miễn là việc định đoạt tài sản chung được thực hiện hợp pháp và phù hợp với thỏa thuận giữa bố mẹ.
Trường hợp 2: Đất là tài sản chung của cả hộ gia đình gồm bố mẹ và các người con
Tài sản chung của hộ gia đình là tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng và định đoạt của tất cả các thành viên trong hộ gia đình đó. Cụ thể, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nếu ghi tên là "hộ ông/hộ bà/hộ ông bà/hộ..." thì nhà, đất này được coi là thuộc sở hữu chung của toàn bộ hộ gia đình. Căn cứ khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định hộ gia đình sử dụng đất như sau:
Những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành
Căn cứ khoản 2 Điều 212 Bộ Luật dân sự 2015 quy định việc định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Nếu tài sản là bất động sản phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Vì vậy, việc chuyển quyền sử dụng đất từ hộ gia đình sang cá nhân chỉ có thể thực hiện khi được sự đồng ý của tất cả các thành viên đủ điều kiện trong gia đình.