Thủ tục mua nhà ở xã hội mới nhất 2025 cho người dân? Nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội ở đâu?
Nội dung chính
Thủ tục mua nhà ở xã hội mới nhất 2025 cho người dân?
Căn cứ theo quy định tại Điều 38 Nghị định 100/2024/NĐ-CP thủ tục mua nhà ở xã hội mới nhất 2025 cho người dân được thực hiện theo trình tự như sau:
Bước 01: Người có nhu cầu nộp hồ sơ cho chủ đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 100/2024/NĐ-CP.
> Hồ sơ mua nhà ở xã hội chi tiết
Theo đó, người nhận hồ sơ phải ghi giấy biên nhận, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì người nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi rõ lý do chưa giải quyết và trả lại cho người nộp hồ sơ để thực hiện việc bổ sung, hoàn thiện.
Bước 02:
- Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm gửi danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua theo thứ tự ưu tiên (trên cơ sở chấm điểm theo quy định) về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiểm tra nhằm loại trừ việc người được mua, thuê, thuê mua được hỗ trợ nhiều lần.
- Sau khi tập hợp đầy đủ giấy tờ đăng ký, chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét, đối chiếu xem người mua có thuộc đối tượng, điều kiện để mua nhà ở xã hội hay không.
- Đối chiếu với các mẫu giấy tờ theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền để lập danh sách những ai được mua nhà ở xã hội thuộc dự án mà mình làm chủ đầu tư.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ nhưng dự án nhà ở xã hội không còn nhà để bán thì chủ đầu tư có trách nhiệm ghi rõ lý do và gửi trả lại toàn bộ hồ sơ mà người nộp hồ sơ nộp để họ biết và nộp hồ sơ tại dự án khác.
Trường hợp đối tượng dự kiến được mua, thuê, thuê mua theo danh sách đã được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở theo quy định hoặc đã được mua, thuê, thuê mua tại dự án khác thì Sở Xây dựng có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho chủ đầu tư biết để xóa tên trong danh sách được mua, thuê, thuê mua.
Sau 20 ngày làm việc kể từ khi nhận được danh sách, nếu Sở Xây dựng không có ý kiến phản hồi thì chủ đầu tư thông báo cho các đối tượng được mua, thuê, thuê mua trong dự án của mình đến để thỏa thuận, thống nhất và ký hợp đồng.
Theo đó, các bên sẽ thực hiện thanh toán trực tiếp thông qua ngân hàng do chủ đầu tư và người mua thống nhất.
Lưu ý:
- Người dân có thể đến nơi tiếp nhận hồ sơ, trụ sở làm việc của chủ đầu tư hoặc sàn giao dịch của chủ đầu tư để kiểm tra danh sách các căn hộ đã bán và các căn hộ còn lại chưa bán mà chủ đầu tư đã niêm yết trong thời gian nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội.
- Nếu người dân đủ điều kiện mua nhà ở xã hội và đã được đưa vào danh sách mua nhà nhưng sau đó không còn nhu cầu, chủ đầu tư có trách nhiệm trả lại toàn bộ hồ sơ cho người đã nộp hồ sơ.
- Mỗi hộ gia đình hoặc cá nhân chỉ được đăng ký mua nhà ở xã hội tại một dự án duy nhất.
- Sau khi ký hợp đồng, chủ đầu tư dự án phải lập danh sách đầy đủ các đối tượng đủ điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và gửi về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án.
Danh sách này phải được công bố công khai trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được, đồng thời lưu trữ để phục vụ cho công tác quản lý và kiểm tra (hậu kiểm).
- Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm công bố danh sách các đối tượng đủ điều kiện tại trụ sở làm việc của mình, sàn giao dịch bất động sản hoặc trên trang thông tin điện tử của chủ đầu tư (nếu có).
Thủ tục mua nhà ở xã hội mới nhất 2025 cho người dân? Nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội ở đâu? (Hình ảnh từ Internet)
Nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội ở đâu?
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 38 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, cá nhân có nhu cầu chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp trực tiếp cho chủ đầu tư dự án. Theo đó, hồ sơ bao gồm:
- Đơn mua nhà ở xã hội (theo Mẫu số 01 Phụ lục II)
- Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được mua nhà.
- Giấy tờ chứng minh về điều kiện thu nhập.
- Giấy tờ chứng minh về điều kiện nhà ở
- Trường hợp là người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, không có hợp đồng lao động: Phải có xác nhận về đối tượng do UBND xã cấp.
Mức vốn vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội là bao nhiêu?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 48 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở tại Ngân hàng Chính sách xã hội
...
3. Mức vốn vay:
a) Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị Hợp đồng mua, thuê mua nhà;
b) Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án sử dụng vốn, tối đa không quá 01 tỷ đồng, có căn cứ suất vốn đầu tư xây dựng, đơn giá xây dựng nhà ở của cấp có thẩm quyền và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Như vậy, mức vốn vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội được quy định mức vay tối đa là 80% giá trị hợp đồng mua nhà.