Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Môi trường mới nhất 2025

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Môi trường? Người dân có quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai không?

Nội dung chính

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Môi trường mới nhất 2025

Căn cứ tiểu mục 2 Mục A Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 629/QĐ-BNNMT năm 2025 quy định về trình tự thủ tục thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cụ thể như sau:

- Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai gửi đơn đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, ban hành văn bản thông báo cho các bên tranh chấp đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, trường hợp không thụ lý thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Phân công đơn vị có chức năng tham mưu giải quyết.

- Đơn vị được phân công giải quyết tiến hành thu thập, nghiên cứu hồ sơ; trường hợp cần thiết trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường quyết định thành lập đoàn công tác để tiến hành thẩm tra, xác minh vụ việc tại địa phương; tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp; hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai hoặc quyết định công nhận hòa giải thành.

- Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai hoặc quyết định công nhận hòa giải thành được gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Bên cạnh quy định về trình tự thủ tục thực hiện, tiểu mục 2 Mục A Phần II Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 629/QĐ-BNNMT năm 2025 cũng quy định về cách thức thực hiện, thành phần, số lượng hồ sơ, thời hạn giải quyết, đối tượng thực hiện thủ tục hành chính, cơ quan thực hiện thủ tục hành chính giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cụ thể như sau:

Cách thức thực hiện

- Nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường dịch vụ bưu chính; theo địa chỉ Văn phòng Tiếp nhận và Trả kết quả của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (địa chỉ số 10 đường Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội hoặc Trụ sở tiếp công dân (số 79 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội)

- Nộp trên Cổng thông tin đất đai quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Nông nghiệp và Môi trường (địa chỉ http://dichvucong.mae.gov.vn).

Thành phần, số lượng hồ sơ

Thành phần hồ sơ

- Đơn yêu cầu yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai (bản chính);

- Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã (bản phô tô hoặc có công chức hoặc có chứng thực).

- Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai (lần đầu) của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (bản phô tô hoặc có công chức hoặc có chứng thực).

- 2. (bản phô tô hoặc có công chức hoặc có chứng thực).

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Thời hạn giải quyết

Thời hạn giải quyết: không quá 90 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật.

Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân

Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

- Cơ quan trực tiếp giải quyết TTHC: các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

- Cơ quan phối hợp: UBND các cấp.

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mới nhất 2025Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Môi trường mới nhất 2025 (Hình từ Internet)

Người dân có quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai không?

Căn cứ quy định tại khoản 1, 2 Điều 236 Luật Đất đai 2024 quy định:

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
1. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án giải quyết.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này thì các bên tranh chấp được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
...

Căn cứ quy định trên, có thể hiểu:

- Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu về quyền sử dụng đất và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết duy nhất là Tòa án.

- Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu về quyền sử dụng đất thì các bên có quyền lựa chọn một trong hai cơ quan giải quyết tranh chấp là Uỷ ban nhân dân hoặc Tòa án có thẩm quyền.

Trên đây là nội dung bài viết "Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Môi trường mới nhất 2025".

Chuyên viên pháp lý Lê Thị Thanh Lam
saved-content
unsaved-content
128