Thời gian hưởng chế độ thai sản khi thai bị chết lưu như thế nào? Hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi thai bị chết lưu gồm những gì?

Thời gian hưởng chế độ thai sản khi thai bị chết lưu như thế nào? Hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi thai bị chết lưu gồm những gì? Tôi đóng BHXH được 2 năm 4 tháng. Ngày 18/11/2021 tôi có xin nghỉ thai sản ở công ty. Tôi được dự sinh là ngày 08/01/2022 nhưng đến ngày 04/01/2022 thì tôi bị thai chết lưu và được mổ đưa ra ngoài. Cho tôi hỏi thời gian nghỉ thai sản của tôi được tính như thế nào? Hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi thai bị chết lưu gồm những gì?

Nội dung chính

    Thời gian hưởng chế độ thai sản khi thai bị chết lưu như thế nào? Hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi thai bị chết lưu gồm những gì?

    1. Thời gian hưởng chế độ thai sản khi thai bị chết lưu như thế nào? 

    Căn cứ Khoản 1 Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH về thời gian hưởng chế độ thai sản, theo đó:

    1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn cụ thể như sau:

    a) Trong thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh mà thai chết lưu, nếu lao động nữ đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội thì ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ quy định tại Điều 33 của Luật bảo hiểm xã hội tính từ thời điểm thai chết lưu.

    b) Trường hợp lao động nữ nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, sau khi sinh con mà con bị chết, nếu lao động nữ đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội thì ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, lao động nữ được hưởng chế độ quy định tại khoản 3 Điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội.

    Tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về điều kiện hưởng chế độ thai sản, như sau:

    1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Lao động nữ mang thai;

    b) Lao động nữ sinh con;

    c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

    d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

    đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

    e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

    2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

    3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

    4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.

    Bên cạnh đó, Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, cụ thể như sau:

    1. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

    a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

    b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

    c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

    d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

    2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

    Do đó, theo thông tin bạn cung cấp thì thời gian hưởng chế độ thai sản của bạn sẽ được tính gồm: thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh từ 18/11/2021 – 08/01/2022 và thời gian thai chết lưu tính từ thời điểm thai chết lưu từ 04/01/2022 và được nghỉ tối đa là 50 ngày.

    2. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi thai bị chết lưu gồm những gì?

    Theo Khoản 2 Điều 4 Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 về tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả:

    2. Tiếp nhận hồ sơ giấy do đơn vị SDLĐ nộp theo hướng dẫn tại điểm 2.1, 2.2, 2.4 khoản này và hồ sơ do người lao động, thân nhân người lao động nộp theo hướng dẫn tại điểm 2.3 khoản này với thành phần hồ sơ cho từng loại chế độ như sau:

    ...

    2.2.1. Lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; người lao động thực hiện biện pháp tránh thai:

    a) Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện của người lao động; trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện.

    b) Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

    Như vậy, khi bạn không may có thai chết lưu thì tùy vào trường hợp là bạn điều trị nội trú hay ngoại trú mà phải chuẩn bị hồ sơ tương ứng như quy định nêu trên để được hưởng chế độ thai sản khi thai chết lưu.

    Trân trọng!

    29