Thiết kế cơ sở phải thể hiện được những gì?
Nội dung chính
Thiết kế cơ sở phải thể hiện được những gì?
Căn cứ Điều 38 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định:
Nội dung thiết kế cơ sở
1. Thiết kế cơ sở phải có đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật Xây dựng năm 2014 và thể hiện được giải pháp thiết kế, các thông số kỹ thuật chủ yếu bảo đảm đủ điều kiện để triển khai bước thiết kế tiếp theo. Thiết kế cơ sở bao gồm thuyết minh và các bản vẽ.
2. Nội dung thuyết minh tính toán kết cấu công trình và nền (nếu có) gồm:
a) Danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng, loại, cấp công trình sử dụng trong việc tính toán;
b) Tải trọng và tác động, phân tích giải pháp thiết kế được lựa chọn để bảo đảm an toàn xây dựng và bảng tính kèm theo (nếu có);
c) Bảng tổng hợp kết quả tính toán các tiêu chí đánh giá về an toàn tổng thể hệ kết cấu công trình gồm: ổn định (nếu có), chuyển vị (nếu có), biến dạng giới hạn của nền móng, một số tiêu chí khác liên quan đến an toàn kết cấu công trình quy định tại tiêu chuẩn áp dụng và có đối chiếu, so sánh với các thông số nêu tại quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng.
...
Như vậy, theo quy định trên, thiết kế cơ sở phải có đầy đủ các nội dung theo quy định tại và thể hiện được giải pháp thiết kế, các thông số kỹ thuật chủ yếu bảo đảm đủ điều kiện để triển khai bước thiết kế tiếp theo
Thiết kế cơ sở phải thể hiện được những gì? (Ảnh từ Internet)
Bản vẽ thiết kế cơ sở gồm bao nhiêu nội dung?
Căn cứ khoản 4 Điều 38 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định:
Nội dung thiết kế cơ sở
...
3. Thuyết minh về giải pháp thiết kế đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ khi có yêu cầu theo quy định tại quy chuẩn và quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
4. Bản vẽ thiết kế cơ sở phải thể hiện được các nội dung về kích thước, thông số kỹ thuật và vật liệu chủ yếu được sử dụng, bao gồm:
a) Tổng mặt bằng công trình hoặc bản vẽ phương án tuyến công trình đối với công trình xây dựng theo tuyến;
b) Mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt công trình hoặc các bản vẽ theo yêu cầu chuyên ngành thể hiện kích thước, thông số kỹ thuật của công trình;
c) Phương án kết cấu chính;
d) Giải pháp thiết kế hệ thống kỹ thuật công trình;
đ) Giải pháp thiết kế phòng cháy chữa cháy (nếu có yêu cầu);
e) Sơ đồ công nghệ, bản vẽ dây chuyền công nghệ (đối với công trình có yêu cầu công nghệ);
g) Các bản vẽ khác theo yêu cầu của dự án.
Như vậy, bản vẽ thiết kế cơ sở gồm 7 nội dung, bao gồm:
- Tổng mặt bằng công trình hoặc bản vẽ phương án tuyến công trình đối với công trình xây dựng theo tuyến;
- Mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt công trình hoặc các bản vẽ theo yêu cầu chuyên ngành thể hiện kích thước, thông số kỹ thuật của công trình;
- Phương án kết cấu chính;
- Giải pháp thiết kế hệ thống kỹ thuật công trình;
- Giải pháp thiết kế phòng cháy chữa cháy (nếu có yêu cầu);
- Sơ đồ công nghệ, bản vẽ dây chuyền công nghệ (đối với công trình có yêu cầu công nghệ);
- Các bản vẽ khác theo yêu cầu của dự án.
Chủ đầu tư được tự tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng điều chỉnh không?
Theo khoản 3 Điều 49 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định:
Điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
1. Công trình xây dựng thuộc đối tượng phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Điều 44 Nghị định này, khi điều chỉnh thiết kế xây dựng, cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ thực hiện thẩm định thiết kế xây dựng điều chỉnh đối với các trường hợp sau:
a) Điều chỉnh, bổ sung thiết kế xây dựng có thay đổi về giải pháp kết cấu chính như: điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu (trừ công trình theo tuyến điều chỉnh cục bộ), giải pháp thiết kế móng/ngầm, giải pháp thiết kế phần trên/phần thân và điều chỉnh giải pháp sử dụng vật liệu cho các loại kết cấu nêu trên;
b) Điều chỉnh biện pháp tổ chức thi công làm ảnh hưởng đến an toàn chịu lực của công trình dẫn đến phải điều chỉnh kết cấu chịu lực của công trình đã được thẩm định và phê duyệt;
c) Khi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng có yêu cầu thẩm định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này.
2. Việc thẩm tra thiết kế xây dựng điều chỉnh thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 43 Nghị định này.
3. Đối với thiết kế xây dựng điều chỉnh, bổ sung không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định làm cơ sở phê duyệt.
...
Như vậy, đối với thiết kế xây dựng điều chỉnh, bổ sung không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, chủ đầu tư được tự tổ chức thẩm định làm cơ sở phê duyệt.
Nhiệm vụ thiết kế xây dựng quy định như thế nào?
Theo Điều 36 Nghị định 175/2024/NĐ-CP thì nhiệm vụ thiết kế xây dựng quy định như sau:
(1) Chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án (khi chưa xác định chủ đầu tư) lập hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực về thiết kế xây dựng theo quy định tại Nghị định 175/2024/NĐ-CP lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng.
(2) Nhiệm vụ thiết kế xây dựng phải phù hợp với chủ trương đầu tư và là căn cứ để lập dự án đầu tư xây dựng, lập thiết kế xây dựng. Chủ đầu tư được thuê tổ chức tư vấn, chuyên gia để góp ý hoặc thẩm tra nhiệm vụ thiết kế.
(3) Nội dung chính của nhiệm vụ thiết kế xây dựng bao gồm:
- Các căn cứ để lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng;
- Mục tiêu xây dựng công trình;
- Địa điểm xây dựng công trình;
- Các yêu cầu về quy hoạch, cảnh quan và kiến trúc của công trình;
- Các yêu cầu về quy mô và thời hạn sử dụng công trình, công năng sử dụng, tiêu chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật khác đối với công trình.
(4) Nhiệm vụ thiết kế xây dựng được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng điều kiện thực tế để đảm bảo hiệu quả và yêu cầu sử dụng dự án đầu tư xây dựng công trình.
(5) Chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án chấp thuận bằng văn bản riêng hoặc tại nhiệm vụ thiết kế đối với nhiệm vụ thiết kế được thuê lập theo khoản 1 của Điều 36 Nghị định 175/2024/NĐ-CP