Thứ 5, Ngày 07/11/2024

Thanh tra, kiểm tra về đất đai bao gồm những nội dung gì? Nhiệm vụ của thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai là gì?

Thanh tra, kiểm tra về đất đai bao gồm những nội dung gì? Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai là gì và có nhiệm vụ gì? Hình thức và phương pháp được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Thanh tra, kiểm tra về đất đai bao gồm những nội dung gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 234 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai, kiểm toán đất đai
    ...
    4. Nội dung thanh tra, kiểm tra về đất đai bao gồm:
    a) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp;
    b) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của người sử dụng đất và của tổ chức, cá nhân khác có liên quan;
    c) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc lĩnh vực đất đai.

    Như vậy, nội dung thanh tra, kiểm tra về đất đai bao gồm việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp, người sử dụng đất và các tổ chức, cá nhân liên quan.

    Đồng thời, thanh tra, kiểm tra cũng tập trung vào việc tuân thủ các quy định chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật và quy tắc quản lý trong lĩnh vực đất đai.

    Bên cạnh đó, nội dung kiểm tra về đất được Chính phủ quy định cụ thể hơn tại khoản 4 Điều 103 Nghị định 102/2024/NĐ-CP như sau:

    Căn cứ, thẩm quyền, trách nhiệm, nội dung và hình thức kiểm tra chuyên ngành đất đai
    ...
    4. Nội dung kiểm tra về đất đai quy định tại điểm a khoản 4 Điều 234 Luật Đất đai bao gồm:
    a) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp; cơ quan có chức năng quản lý đất đai các cấp; công chức, viên chức thuộc cơ quan có chức năng quản lý đất đai các cấp, công chức làm công tác địa chính cấp xã;
    b) Việc bố trí nguồn lực và các điều kiện khác bảo đảm cho việc thi hành pháp luật về đất đai; việc thực hiện thống kê, chế độ báo cáo, lưu trữ, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu đất đai.

    Theo đó, nội dung kiểm tra về đất đai theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 234 Luật Đất đai 2024 bao gồm việc kiểm tra sự chấp hành pháp luật về đất đai của các cơ quan, công chức, viên chức có liên quan, từ cấp ủy ban nhân dân các cấp đến công chức làm công tác địa chính cấp xã.

    Đồng thời, kiểm tra cũng liên quan đến việc bố trí nguồn lực, điều kiện thi hành pháp luật về đất đai, và thực hiện các công tác thống kê, báo cáo, lưu trữ, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu đất đai.

    Thanh tra, kiểm tra về đất đai bao gồm những nội dung gì? Nhiệm vụ của thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai là gì? (Ảnh từ Internet)Thanh tra, kiểm tra về đất đai bao gồm những nội dung gì? Nhiệm vụ của thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai là gì? (Ảnh từ Internet)

    Nhiệm vụ của thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai là gì?

    Theo quy định tại khoản 5 Điều 234 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai, kiểm toán đất đai
    ...
    5. Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai có các nhiệm vụ sau đây:
    a) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan nhà nước, người sử dụng đất trong việc quản lý, sử dụng đất đai;
    b) Đôn đốc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật đất đai; phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

    Như vậy, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người sử dụng đất trong quản lý và sử dụng đất đai.

    Đồng thời, thanh tra, kiểm tra cũng có vai trò đôn đốc thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật đất đai, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm, hoặc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm về đất đai.

    Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai là gì?

    Căn cứ tại khoản 1, khoản 2 Điều 234 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đất đai, kiểm toán đất đai
    1. Thanh tra chuyên ngành đất đai là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy định về chuyên môn, kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc lĩnh vực đất đai.
    2. Kiểm tra chuyên ngành đất đai là hoạt động được thực hiện thường xuyên, liên tục của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý đất đai nhằm đôn đốc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai; nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.

    Như vậy, khái niệm về thanh tra và kiểm tra chuyên ngành đất đai được quy định cụ thể như trên.

    Hình thức và phương pháp kiểm tra về đất đai được quy định như thế nào?

    Căn cứ tại khoản 3 Điều 103 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Căn cứ, thẩm quyền, trách nhiệm, nội dung và hình thức kiểm tra chuyên ngành đất đai
    ...
    3. Hình thức, phương pháp kiểm tra
    a) Việc kiểm tra chuyên ngành đất đai thực hiện theo kế hoạch hằng năm hoặc đột xuất; được thực hiện bằng hình thức thành lập Đoàn kiểm tra hoặc văn bản cử Tổ kiểm tra, cử người được giao nhiệm vụ kiểm tra;
    b) Kế hoạch kiểm tra ban hành trước ngày 31 tháng 12 của năm trước để thực hiện hoạt động kiểm tra định kỳ; quyết định, văn bản kiểm tra đột xuất khi có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này. Kế hoạch kiểm tra hằng năm phải bảo đảm không trùng lặp về nội dung, đối tượng, phạm vi với kế hoạch thanh tra đất đai;
    c) Việc tổ chức kiểm tra được thực hiện bằng nhiều hình thức, gồm: tổ chức kiểm tra tại địa điểm kiểm tra hoặc gửi hồ sơ tới cơ quan thực hiện kiểm tra hoặc tổ chức họp trực tuyến về nội dung kiểm tra hoặc hình thức khác (nếu có).

    Theo đó, việc kiểm tra chuyên ngành đất đai được thực hiện theo kế hoạch hằng năm hoặc đột xuất, thông qua hình thức thành lập Đoàn kiểm tra hoặc cử Tổ kiểm tra, người được giao nhiệm vu.

    Kế hoạch kiểm tra phải được ban hành trước ngày 31 tháng 12 của năm trước và đảm bảo không trùng lặp với kế hoạch thanh tra đất đai.

    Các hình thức kiểm tra đa dạng, bao gồm kiểm tra trực tiếp tại địa phương, gửi hồ sơ cho cơ quan thực hiện kiểm tra, tổ chức họp trực tuyến hoặc các phương pháp khác.

    7