Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở có được thực hiện với từng bộ phận công trình?
Nội dung chính
Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở có được thực hiện với từng bộ phận công trình?
Căn cứ khoản 6 Điều 35 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định:
Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
...
5. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng, văn bản của các cơ quan tổ chức có liên quan để làm cơ sở phê duyệt thiết kế. Kết quả thẩm định và phê duyệt của chủ đầu tư được thể hiện tại Quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng theo quy định tại Mẫu số 07 Phụ lục I Nghị định này.
6. Việc thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được thực hiện với toàn bộ các công trình hoặc từng công trình của dự án hoặc bộ phận công trình theo giai đoạn thi công công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư nhưng phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về nội dung, cơ sở tính toán trong các kết quả thẩm định.
Như vậy, việc thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được thực hiện với từng bộ phận công trình theo giai đoạn thi công công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư, ngoài ra còn được thực hiện với toàn bộ các công trình hoặc từng công trình của dự án, nhưng phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về nội dung, cơ sở tính toán trong các kết quả thẩm định.
Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở có được thực hiện với từng bộ phận công trình? (Ảnh từ Internet)
Việc thẩm tra thiết kế xây dựng công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng được quy định ra sao?
Căn cứ khoản 4 Điều 35 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định:
Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
...
4. Việc thẩm tra thiết kế xây dựng đối với công trình xây dựng quy định tại khoản 6 Điều 82 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 24 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 được quy định như sau:
a) Trong quá trình thẩm định, trường hợp báo cáo kết quả thẩm tra chưa đủ cơ sở để kết luận thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng được quyền yêu cầu bổ sung, hoàn thiện báo cáo kết quả thẩm tra;
b) Tổ chức tư vấn thẩm tra phải độc lập về pháp lý, tài chính với chủ đầu tư và với các nhà thầu tư vấn lập thiết kế xây dựng;
c) Nội dung Báo cáo kết quả thẩm tra quy định tại Mẫu số 05 Phụ lục I Nghị định này. Các bản vẽ được thẩm tra phải được đóng dấu theo quy định tại Mẫu số 08 Phụ lục I Nghị định này.
...
Dẫn chiếu đến khoản 6 Điều 82 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 24 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định:
Thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
...
6. Công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng thẩm tra thiết kế xây dựng về nội dung an toàn công trình, sự tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho việc thẩm định.
...
Như vậy, việc thẩm tra thiết kế xây dựng công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng được quy định cụ thể như sau:
- Nếu báo cáo kết quả thẩm tra chưa đủ cơ sở kết luận, cơ quan chuyên môn về xây dựng có quyền yêu cầu bổ sung, hoàn thiện.
- Tổ chức tư vấn thẩm tra phải độc lập về pháp lý và tài chính với chủ đầu tư và các nhà thầu tư vấn lập thiết kế.
- Nội dung báo cáo kết quả thẩm tra theo Mẫu số 05 Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 15/2021/NĐ-CP. Bản vẽ thẩm tra phải đóng dấu theo Mẫu số 08 Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 15/2021/NĐ-CP
Tải về Mẫu 05 Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 15/2021/NĐ-CP.
Tải về Mẫu 08 Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 15/2021/NĐ-CP
Phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở quy định ra sao?
Căn cứ Điều 40 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định:
Phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
1. Việc phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của chủ đầu tư được thể hiện tại quyết định phê duyệt, gồm các nội dung chủ yếu như sau:
a) Người phê duyệt;
b) Tên công trình hoặc bộ phận công trình;
c) Tên dự án;
d) Loại, cấp công trình;
đ) Địa điểm xây dựng;
e) Nhà thầu lập báo cáo khảo sát xây dựng;
g) Nhà thầu lập thiết kế xây dựng;
h) Đơn vị thẩm tra thiết kế xây dựng;
i) Quy mô, chỉ tiêu kỹ thuật; các giải pháp thiết kế nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên (nếu có);
k) Thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình;
l) Giá trị dự toán xây dựng theo từng khoản mục chi phí;
m) Các nội dung khác.
2. Mẫu quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công quy định tại Mẫu số 07 Phụ lục I Nghị định này.
3. Trong trường hợp thực hiện quản lý dự án theo hình thức Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực hoặc Ban quản lý dự án một dự án, Chủ đầu tư được ủy quyền cho Ban quản lý dự án trực thuộc phê duyệt thiết kế xây dựng.
4. Người được giao phê duyệt thiết kế xây dựng đóng dấu, ký xác nhận trực tiếp vào hồ sơ thiết kế xây dựng được phê duyệt (gồm thuyết minh và bản vẽ thiết kế). Mẫu dấu phê duyệt thiết kế xây dựng quy định tại Mẫu số 08 Phụ lục I Nghị định này.
Như vậy, việc phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được quy định như trên.