Quỹ phát triển đất có tư cách pháp nhân không?

Quỹ phát triển đất có tư cách pháp nhân không? Cơ cấu tổ chức của Quỹ phát triển đất ra sao?

Nội dung chính

    Quỹ phát triển đất có tư cách pháp nhân không?

    Điều 5 Nghị định 104/2024/NĐ-CP quy định:

    Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân và chức năng của Quỹ phát triển đất
    1. Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước, không vì mục đích lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn.
    2. Quỹ phát triển đất có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản, hạch toán độc lập, có vốn điều lệ.
    3. Tên gọi: “Quỹ phát triển đất” ghép với tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
    4. Quỹ phát triển đất có chức năng tiếp nhận, huy động vốn theo quy định để thực hiện nhiệm vụ ứng vốn và được hoàn trả vốn ứng theo quy định tại Điều 114 Luật Đất đai năm 2024, Nghị định này và pháp luật có liên quan.

    Căn cứ quy định trên, Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có tư cách pháp nhân.

    Qũy phát triển đất có tư cách pháp nhân không?

    Quỹ phát triển đất có tư cách pháp nhân không? (Hình từ Internet)

    Cơ cấu tổ chức của Quỹ phát triển đất ra sao?

    Khoản 1 Điều 8 Nghị định 104/2024/NĐ-CP quy định:

    Cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động

    1. Cơ cấu tổ chức của Quỹ phát triển đất gồm có:
    a) Hội đồng quản lý.
    b) Ban kiểm soát.
    c) Cơ quan điều hành nghiệp vụ.
    ...

    Như vậy, cơ cấu tổ chức của Quỹ phát triển đất gồm 03 bộ phận nêu trên.

    Đất xây dựng trụ sở Quỹ phát triển đất có thời hạn bao lâu?

    Điều 20 Nghị định 104/2024/NĐ-CP quy định:

    Chế độ tài chính và quản lý, sử dụng tài sản của Quỹ phát triển đất
    1. Năm tài chính của Quỹ phát triển đất bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12.
    2. Chế độ tài chính (bao gồm cả cơ chế tiền lương, các khoản phụ cấp của cán bộ quản lý, người lao động) và quản lý, sử dụng tài sản của Quỹ phát triển đất thực hiện theo quy định áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập và được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ. Các nội dung cụ thể liên quan đến chế độ tài chính của Quỹ phát triển đất được quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
    3. Đất trụ sở của Quỹ phát triển đất thực hiện theo chế độ sử dụng đất áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật về đất đai.

    Căn cứ quy định này, đất trụ ở Quỹ phát triển đất được xem là đất xây dựng công trình sự nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 199 Luật Đất đai 2024 cũng như điểm d khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024.

    Trong khi đó, Điều 171 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Đất sử dụng ổn định lâu dài
    1. Đất ở.
    2. Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng quy định tại khoản 4 Điều 178 của Luật này.
    3. Đất rừng đặc dụng; đất rừng phòng hộ; đất rừng sản xuất do tổ chức quản lý.
    4. Đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của cá nhân đang sử dụng ổn định được Nhà nước công nhận mà không phải là đất được Nhà nước giao có thời hạn, cho thuê.
    5. Đất xây dựng trụ sở cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 199 của Luật này; đất xây dựng công trình sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều 199 của Luật này.
    6. Đất quốc phòng, an ninh.
    7. Đất tín ngưỡng.
    8. Đất tôn giáo quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật này.
    9. Đất sử dụng vào mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh.
    10. Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt.
    11. Đất quy định tại khoản 3 Điều 173 và khoản 2 Điều 174 của Luật này.

    Căn cứ các quy định trên, đất xây dựng trụ sở Quỹ phát triển đất có thời hạn sử dụng ổn định lâu dài.

    Ai có thẩm quyền giải thể Quỹ phát triển đất? Hội đồng giải thể gồm những thành phần nào?

    Khoản 1 Điều 23 Nghị định 104/2024/NĐ-CP quy định:

    Quy trình giải thể Quỹ phát triển đất
    1. Trường hợp Quỹ phát triển đất đã được thành lập nhưng không cần thiết phải duy trì Quỹ phát triển đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng giải thể để tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về phương án và tổ chức thực hiện giải thể Quỹ. Thành phần Hội đồng giải thể bao gồm:
    a) Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
    b) Đại diện lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan.
    c) Hội đồng quản lý Quỹ, Ban kiểm soát Quỹ.
    d) Đại diện của các cơ quan liên quan (nếu cần thiết) theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
    ...

    Căn cứ quy định trên, Hội đồng giải thể Quỹ phát triển đất gồm 04 nhóm thành phần nêu trên.

    Đồng thời, khoản 3 Điều 23 Nghị định 104/2024/NĐ-CP quy định:

    Quy trình giải thể Quỹ phát triển đất
    ...
    3. Sau khi phương án giải thể được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giải thể Quỹ phát triển đất, đồng thời gửi văn bản thông báo đến Bộ Tài chính và công bố việc giải thể trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trung ương.
    ...

    Căn cứ quy định này, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quyết định Giải thể Quỹ phát triển đất.

    15