Quy định về xử lý đối với trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn như thế nào?

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Mai Bảo Ngọc
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Xử lý đối với trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn như thế nào? Hợp đồng về nhà ở có cần lập thành văn bản không? Giao dịch nhà ở được thực hiện theo trình tự, thủ tục nào?

Nội dung chính

    Quy định về xử lý đối với trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 166 Luật Nhà ở 2023 quy định xử lý đối với trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn như sau:

    - Trong thời hạn sở hữu nhà ở, bên mua nhà ở thực hiện quyền, nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng;

    - Khi hết thời hạn sở hữu thì Giấy chứng nhận cấp cho bên mua không còn giá trị pháp lý. Quyền sở hữu nhà ở được chuyển lại cho bên bán nhà ở.

    + Bên bán nhà ở hoặc người thừa kế hợp pháp của bên bán đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.

    + Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 2 Điều 166 Luật Nhà ở 2023 thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;

    - Trường hợp chủ sở hữu lần đầu là tổ chức bị phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động thì nhà ở của tổ chức này được xử lý theo quy định của pháp luật về phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động và quyền sở hữu nhà ở này được chuyển lại cho cá nhân, tổ chức được sở hữu theo quy định của pháp luật về phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động.

    + Trường hợp chủ sở hữu lần đầu là cá nhân chết mà không có người thừa kế hoặc người thừa kế không nhận lại nhà ở thì việc xác lập quyền sở hữu nhà ở thực hiện theo quy định Bộ luật Dân sự 2015;

    - Trong thời gian xác định chủ sở hữu nhà ở, tổ chức, cá nhân đang quản lý nhà ở được tiếp tục quản lý và không được thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với nhà ở này;

    + Việc bàn giao lại nhà ở được thực hiện trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày xác định được chủ sở hữu nhà ở.

    Như vậy, xử lý đối với trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn được quy định cụ thể như trên.

    Quy định về xử lý đối với trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn như thế nào?

    Quy định về xử lý đối với trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn như thế nào? (Hình từ Internet)

    Hợp đồng về nhà ở có cần lập thành văn bản không?

    Căn cứ theo Điều 163 Luật Nhà ở 2023 quy định hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây:

    (1) Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;

    (2) Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó.

    - Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ:

    - Phần sở hữu chung, sử dụng chung;

    - Thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế;

    - Diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng;

    - Diện tích sàn căn hộ;

    - Mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt;

    - Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trong trường hợp chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu;

    - Trách nhiệm đóng, mức đóng kinh phí bảo trì và thông tin tài khoản nộp kinh phí bảo trì;

    (3) Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá;

    - Trường hợp mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;

    (4) Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở;

    (5) Thời gian giao nhận nhà ở;

    - Thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới;

    - Thời hạn cho thuê mua, cho thuê, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở;

    - Thời hạn góp vốn;

    - Thời hạn sở hữu đối với trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn;

    (6) Quyền và nghĩa vụ của các bên.

    - Trường hợp thuê mua nhà ở thì phải ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các bên về việc sửa chữa hư hỏng của nhà ở trong quá trình thuê mua;

    (7) Cam kết của các bên;

    (8) Thỏa thuận khác;

    (9) Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;

    (10) Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;

    (11) Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.

    Như vậy, hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm 11 nội dung theo quy định như trên.

    Giao dịch nhà ở được thực hiện theo trình tự, thủ tục nào?

    Căn cứ theo Điều 162 Luật Nhà ở 2023 quy định trình tự, thủ tục thực hiện giao dịch về nhà ở như sau:

    (1) Các bên tham gia giao dịch nhà ở thỏa thuận lập hợp đồng mua bán, thuê mua, thuê, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở (sau đây gọi chung là hợp đồng về nhà ở) có các nội dung quy định tại Điều 163 Luật Nhà ở 2023;

    - Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết thì chỉ cần lập hợp đồng tặng cho.

    (2) Các bên thỏa thuận để một bên thực hiện nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó;

    - Trường hợp mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án thì chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho bên mua, bên thuê mua, trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

    (3) Trường hợp bên mua, bên thuê mua, bên nhận tặng cho, nhận đổi, nhận góp vốn, nhận thừa kế nhà ở cùng với nhận chuyển quyền sử dụng đất ở và có quyền nhận quyền sử dụng đất ở có nhà ở đó thì khi thực hiện cấp Giấy chứng nhận, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng thời công nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho bên nhận quyền sở hữu nhà ở.

    Như vậy, trình tự, thủ tục giao dịch về nhà ở được thực hiện dựa theo quy định như trên.

    92
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ