Thứ 6, Ngày 08/11/2024

Quy định về ký ủy quyền văn bản trong Công ty

Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, tôi có thắc mắc này liên quan đến việc ủy quyền như sau: Công ty mẹ có Giấy ủy quyền cho Trưởng phòng của Công ty con về việc đại diện cho Công ty mẹ ký kết và thực hiện hợp đồng với các khách hàng tham gia bảo hiểm tại Công ty nói chung. Như vậy, trường hợp Công ty X ký hợp đồng với Công ty con, trong hợp đồng, Trưởng phòng Công ty con là người ký, đóng dấu Công ty con, thì hợp đồng này có vô hiệu do người ký không đủ thẩm quyền không?

Nội dung chính

    Quy định về ký ủy quyền văn bản trong Công ty

    Về nguyên tắc ủy quyền thì hiện tại pháp luật dân sự không có hạn chế về vấn đề người được ủy quyền. Theo Khoản 1 Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 thì cá nhân, pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

    Tuy nhiên, theo Điều 10 Nghị định 110/2004/NĐ-CP và Khoản 6 Điều 1 Nghị định 09/2010/NĐ-CP quy định về công tác văn thư như sau:

    Ở cơ quan tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả văn bản của cơ quan, tổ chức. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao cho cấp phó của mình ký thay (KT.) các văn bản thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của người đứng đầu. Cấp phó ký thay chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trước pháp luật.

    - Trong trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể uỷ quyền cho người đứng đầu một đơn vị trong cơ quan, tổ chức ký thừa uỷ quyền (TUQ.) một số văn bản mà mình phải ký. Việc giao ký thừa uỷ quyền phải được quy định bằng văn bản và giới hạn trong một thời gian nhất định. Người được ký thừa uỷ quyền không được uỷ quyền lại cho người khác ký. Văn bản ký thừa uỷ quyền theo thể thức và đóng dấu của cơ quan, tổ chức uỷ quyền

    - Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao cho Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Hành chính hoặc Trưởng một số đơn vị ký thừa lệnh (TL.) một số loại văn bản. Việc giao ký thừa lệnh phải được quy định cụ thể trong quy chế hoạt động hoặc quy chế công tác văn thư của cơ quan, tổ chức.

    Căn cứ vào quy định trên, bạn nên xem lại trong điều lệ và quy chế nội bộ của công ty quy định về vấn đề ủy quyền ký văn bản như thế nào. Tuy nhiên theo tinh thần trên thì việc ký văn bản thông thường được ủy quyền trong nội bộ công ty bạn nhé. Việc ủy quyền này mang tính "hợp lý hơn" so với ủy quyền cho người không liên quan đến hoạt động của công ty và cũng dễ giải trình và chứng minh hơn nếu xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.

    Trên đây là quan điểm của Ban biên tập Thư Ký Luật về vấn đề mà bạn đang quan tâm. Hi vọng có thể phần nào giúp bạn có định hướng giải quyết vấn đề đang vướng mắc.

    Trân trọng!

    5