Quy định tập trung đất để sản xuất nông nghiệp theo Luật Đất đai 2024 như thế nào?
Nội dung chính
Tập trung đất nông nghiệp là gì?
Căn cứ Khoản 1 Điều 192 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Tập trung đất nông nghiệp
1. Tập trung đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất thông qua các phương thức sau đây:
a) Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa;
b) Thuê quyền sử dụng đất;
c) Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.
....
Tập trung đất nông nghiệp được hiểu là quá trình mở rộng diện tích đất nông nghiệp để thực hiện sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Tập trung đất nông nghiệp có thể qua các phương thức 3 phương thức:
- Chuyển đổi quyền sử dụng đất theo phương án dồn điền, đổi thửa: Dồn điền, đổi thửa là quá trình sắp xếp lại diện tích đất nông nghiệp đang bị chia cắt manh mún, phân tán thành các thửa đất lớn hơn và đồng nhất hơn. Đây là một phương thức chuyển đổi quyền sử dụng đất giữa các hộ gia đình, cá nhân nông dân theo phương án quy hoạch chung.
- Thuê quyền sử dụng đất: Thuê quyền sử dụng đất là việc một cá nhân, tổ chức thuê đất từ người sử dụng đất để tổ chức sản xuất. Điều này không làm thay đổi quyền sở hữu đất mà chỉ chuyển giao quyền sử dụng đất trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận hoặc theo hợp đồng thuê đất
- Hợp tác sản xuất bằng quyền sử dụng đất: sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh mà không làm thay đổi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất.
Theo đó, việc tập trung đất nông nghiệp phải bảo đảm các nguyên tắc tại khoản 2 Điều 192 Luật Đất đai 2024như sau:
Tập trung đất nông nghiệp
...
2. Việc tập trung đất nông nghiệp phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Bảo đảm công khai, minh bạch, tự nguyện, dân chủ, công bằng;
b) Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất và của tổ chức, cá nhân có liên quan; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh;
c) Tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
d) Phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa, quá trình chuyển dịch lao động, chuyển đổi nghề, việc làm ở nông thôn của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Việc tập trung đất nông nghiệp phải tuân theo các nguyên tắc quan trọng để đảm bảo sự công bằng và bền vững. Trước hết, quá trình này phải được thực hiện trên cơ sở công khai, minh bạch, tự nguyện, dân chủ và công bằng, đảm bảo không có sự ép buộc và mọi bên đều có quyền lợi rõ ràng. Đồng thời, các quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất và các tổ chức, cá nhân liên quan phải được bảo vệ, và việc tập trung đất không được ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, mọi hoạt động tập trung đất phải tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, dân sự và các quy định liên quan, đồng thời phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Cuối cùng, việc tập trung đất phải phù hợp với các đặc điểm tự nhiên, văn hóa, quá trình chuyển đổi lao động, nghề nghiệp ở nông thôn và đáp ứng nhu cầu của thị trường để đảm bảo sự phát triển bền vững cho từng địa phương.
Nhà nước có chính sách gì hỗ trợ việc tập trung đất nông nghiệp không?
Căn cứ Khoản 3 Điều 192 Luật đất đai 2024:
Tập trung đất nông nghiệp
....
3. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tập trung.
Kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để thực hiện dồn điền, đổi thửa nhằm tập trung đất để sản xuất nông nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm.
4. Tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện việc tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để theo dõi. Trường hợp trong phương án sử dụng đất mà có thay đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ nhóm đất nông nghiệp thì phải thỏa thuận với người sử dụng đất về việc hoàn trả đất nông nghiệp sau khi đã tham gia tập trung đất đai. Trường hợp tập trung đất nông nghiệp mà phải điều chỉnh lại quyền sử dụng đất thì thực hiện theo quy định tại Điều 219 của Luật này.
5. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, hướng dẫn, hỗ trợ các bên trong việc thực hiện tập trung đất nông nghiệp và bảo đảm ổn định quy hoạch đối với diện tích đất nông nghiệp đã tập trung.
Theo đó, Nhà nước khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia vào việc tập trung đất để sản xuất nông nghiệp.
Khi tổ chức kinh tế hoặc cá nhân muốn tập trung đất nông nghiệp, cần phải lập một kế hoạch sử dụng đất và gửi kế hoạch này cho Ủy ban Nhân dân cấp xã để được theo dõi. Nếu trong kế hoạch đó có sự thay đổi về mục đích sử dụng đất (ví dụ, chuyển đổi mục đích trong nhóm đất nông nghiệp), tổ chức kinh tế hoặc cá nhân muốn tập trung đất nông nghiệp cần thỏa thuận với những người khác đang sử dụng đất về việc hoàn trả lại đất nông nghiệp sau khi đã tham gia vào việc tập trung đất. Nếu việc tập trung đất nông nghiệp yêu cầu điều chỉnh quyền sử dụng đất, thì cần thực hiện theo quy định đã được nêu trong Điều 219 Luật Đất đai 2024.
Nội dung phương án sử dụng đất bao gồm những nội dung gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều Điều 77 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất gồm những nội dung sau:
- Xác định phạm vi, quy mô, địa điểm, ranh giới khu vực tập trung đất nông nghiệp;
- Hiện trạng sử dụng đất gồm: diện tích, mục đích, hình thức, thời hạn sử dụng đất, người quản lý, người sử dụng đất;
- Xác định phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được tập trung;
- Đề xuất sử dụng đất đối với diện tích đất do Nhà nước quản lý thuộc khu vực tập trung đất nông nghiệp;
- Dự kiến hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống bờ vùng, bờ thửa; xác định diện tích đất chuyển sang sử dụng vào mục đích giao thông, thủy lợi nội đồng.