Phương án bồi thường khi thu hồi đất có cần lấy ý kiến của người dân không?
Nội dung chính
Phương án bồi thường khi thu hồi đất có cần lấy ý kiến của người dân không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật Đất đai 2024 khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất, người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với cơ quan làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các công việc liên quan, bao gồm điều tra, khảo sát, đo đạc diện tích đất, thống kê tài sản gắn liền với đất và lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo đó người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp lập phương án bồi thường.
Trong trường hợp người dân không hợp tác để thực hiện các nhiệm vụ này, điểm đ khoản 2 Điều 87 Luật Đất đai 2024 quy định rằng thì UBND xã, phường, thị trấn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường sẽ vận động, thuyết phục người sử dụng đất thực hiện.
Theo điểm a khoản 3 Điều 87 Luật Đất đai 2024, trình tự lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm việc lấy ý kiến người dân như sau:
- Phương án bồi thường phải được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư tại địa phương nơi có đất thu hồi trong thời hạn 30 ngày.
- Sau khi hết thời hạn niêm yết nêu trên, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi.
- Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và đại diện những người có đất thu hồi.
- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến, đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại.
Trong trường hợp có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường thì đơn vị thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý về dự thảo và hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền;
- Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được thẩm định trước khi trình UBND cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi.
Như vậy, việc lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường khi thu hồi đất là yêu cầu bắt buộc. Quá trình này bảo đảm quyền lợi và tiếng nói của người dân trong việc xác định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đồng thời tổ chức đối thoại để giải quyết những ý kiến không đồng thuận.
Phương án bồi thường khi thu hồi đất có cần lấy ý kiến của người dân không? (Hình từ Internet)
Khi người dân không đồng ý phương án bồi thường thì xử lý như thế nào?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 87 Luật Đất đai 2024, nếu người dân không đồng ý với phương án bồi thường đã được phê duyệt, các bước xử lý bao gồm:
UBND cấp xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường sẽ tổ chức vận động, thuyết phục người dân đồng ý với phương án và chấp hành quyết định thu hồi đất.
Trong trường hợp việc vận động, thuyết phục không đạt kết quả, UBND cấp có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Việc cưỡng chế được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.
Như vậy, ngay cả khi người dân không đồng ý với phương án bồi thường, nếu việc thu hồi đất có đủ căn cứ pháp lý và đã qua quá trình vận động, thuyết phục nhưng không đạt kết quả, Nhà nước vẫn có quyền tiến hành cưỡng chế thu hồi đất để đảm bảo thực hiện các mục tiêu công cộng, quốc gia, hoặc phát triển kinh tế - xã hội.
Các trường hợp Nhà nước có quyền thu hồi đất
Căn cứ theo Chương VI Luật Đất đai 2024, Nhà nước quyết định thu hồi đất đối với 04 trường hợp sau đây:
- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh
- Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
- Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
- Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, không còn khả năng tiếp tục sử dụng
Điều 53 Hiến pháp 2013 và Điều 12 Luật Đất đai 2024 thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, nên có quyền thu hồi đất theo quy định. Theo đó, vì Nhà nước là đại diện chủ sở hữu nên có quyền thu hồi đất theo quy định.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất là chủ thể có trách nhiệm ra quyết định thu hồi đất (Điều 83 Luật Đất đai 2024)