Phí trông giữ xe khi bị tạm giữ là 400.000 đồng có đúng pháp luật không?
Nội dung chính
Phí trông giữ xe khi bị tạm giữ là 400.000 đồng có đúng pháp luật không?
Theo Khoản 7 Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, quy định:
"Người có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ chỉ phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện và các khoản chi phí khác trong thời gian tang vật, phương tiện bị tạm giữ heo quy định tại khoản 8 Điều 125 của Luật này.
Không thu phí lưu kho, phí bến bãi và phí bảo quản trong thời gian tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi trong việc vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp tịch thu đối với tang vật, phương tiện."
Như vậy, theo quy định trên bạn phải nộp phí bến bãi, trông giữ đối với xe của bạn bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Mặt khác, tại Mục II Thông tư 19/2007/TT-BTC quy định: Mức thu lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tang vật, phương tiện bị tạm giữ quy định.
Căn cứ vào Phụ lục IV ban hành kèm theo Quyết định 44/2017/QĐ-UBND thì mức thu cụ thể như sau:
Nội dung thu | Đơn vị tính | Mức thu |
- Xe máy, xe lam | đồng/xe/ngày đêm | 8.000 |
- Xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe xích lô | đồng/xe/ngày đêm | 5.000 |
- Xe ô tô đến 9 ghế ngồi và xe tải từ 2 tấn trở xuống | đồng/xe/ngày đêm | 70.000 |
- Xe từ 10 ghế ngồi trở lên và xe tải trên 2 tấn trở lên | đồng/xe/ngày đêm | 90.000 |
Trên đây là mức thu phí bến bãi của người bị tạm giữ phương tiện do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội.
Do bạn không cung cấp đủ thông tin về loại xe bạn bị tạm giữ, vậy nên chúng tôi không thể kết luận cơ quan công an yêu cầu bạn nộp 400.000 đồng đối với mức thu phí bến bãi gửi giữ như vậy có đúng pháp luật hay không, bạn căn cứ vào quy định trên đối chiếu với trường hợp của mình để nắm rõ.