Phần quyền sở hữu bất động sản nhận thừa kế được xác lập quyền sở hữu toàn dân khi nào?
Nội dung chính
Phần quyền sở hữu bất động sản nhận thừa kế được xác lập quyền sở hữu toàn dân khi nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 3 Nghị định 77/2025/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 3. Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân quy định tại Nghị định này gồm:
[...]
4. Tài sản là di sản không có người thừa kế, gồm:
a) Tài sản không có người nhận thừa kế theo quy định tại Điều 622 Bộ luật Dân sự.
b) Tài sản hết thời hiệu yêu cầu chia di sản kể từ thời điểm mở thừa kế nhưng không có người chiếm hữu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự.
c) Phần quyền sở hữu bất động sản khi một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế theo quy định tại khoản 4 Điều 218 Bộ luật Dân sự.
[...]
Dẫn chiếu đến khoản 4 Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Điều 218. Định đoạt tài sản chung
[...]
4. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.
Như vậy, phần quyền sở hữu bất động sản thừa kế được xác lập quyền sở hữu toàn dân khi xảy ra một trong hai trường hợp sau:
- Chủ sở hữu chung bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình.
- Chủ sở hữu chung chết mà không có người thừa kế theo quy định pháp luật.
Khi đó, phần quyền sở hữu này sẽ thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì phần đó thuộc sở hữu của các chủ sở hữu còn lại.
Phần quyền sở hữu bất động sản nhận thừa kế được xác lập quyền sở hữu toàn dân khi nào? (Hình từ Internet)
Nhận thừa kế nhà đất có phải đóng thuế không?
Căn cứ khoản 9 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định như sau:
Điều 3. Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:
[…]
9. Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
Theo đó, nhận thừa kế đất sẽ thuộc đối tượng phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Đồng thời, căn cứ khoản 9 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định như sau:
Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
[...]
9. Thu nhập từ nhận thừa kế
[...]
c) Đối với nhận thừa kế là bất động sản bao gồm: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước; các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức; trừ thu nhập từ thừa kế là bất động sản theo hướng dẫn tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.
Như vậy, trường hợp người nhận thừa kế bất động sản gồm các loại dưới đây thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân:
- Quyền sử dụng đất;
- Quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất;
- Quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai;
- Kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai;
- Quyền thuê đất;
- Quyền thuê mặt nước;
- Các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức.
Người nước ngoài nhận thừa kế nhà đất tại Việt Nam được không?
Căn cứ khoản 3 Điều 44 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Điều 44. Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam
[...]
3. Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:
a) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là người nhận thừa kế;
b) Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 37 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;
c) Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện theo ủy quyền bằng văn bản nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại tổ chức đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.
Như vậy, người nước ngoài được nhận thừa kế là nhà đất tại Việt Nam không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ).
Tuy nhiên được thực hiện chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế trong 03 trường hợp sau:
(1) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là người nhận thừa kế;
(2) Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 37 Luật Đất đai 2024 và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;
(3) Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện theo ủy quyền bằng văn bản nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại tổ chức đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.