Nội dung điều tra đánh giá thoái hóa đất gồm những gì? Điều tra thực địa để đánh giá thoái hóa đất như thế nào?

Chuyên viên pháp lý Phan Thị Hồng Minh
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Đánh giá thoái hóa đất gồm những nội dung gì? Làm thế nào để thu thập dữ liệu về thoái hóa đất tại thực địa? Quy trình điều tra thoái hóa đất tại thực địa diễn ra như thế nào?

Nội dung chính

    Thoái hóa đất là gì?

    Căn cứ theo khoản 40 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    ...
    40. Thoái hóa đất là tình trạng đất bị thay đổi đặc tính, tính chất vốn có ban đầu theo chiều hướng xấu do tác động của điều kiện tự nhiên, con người.

    Theo đó, thoái hóa đất là tình trạng suy giảm chất lượng vốn có của đất do tác động xấu của con người, điều kiện tự nhiên.

    Các tác động của con người có thể kể đến như khai thác quá mức, sử dụng phân bón hóa học v.v. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên cũng là yếu tố có tác động xấu lên đất, ví dụ như xói mòn, rửa trôi, sa mạc hóa.

    Nội dung điều tra đánh giá thoái hóa đất gồm những gì? (Hình từ Internet)

    Nội dung điều tra đánh giá thoái hóa đất gồm những gì?

    Theo khoản 2 Điều 53 Luật Đất đai 2024 quy định về nội dung điều tra thoái hóa đất như sau:

    Nội dung điều tra, đánh giá đất đai
    ...
    2. Nội dung điều tra, đánh giá thoái hóa đất bao gồm:
    a) Khoanh vùng, xác định vị trí, diện tích đất bị thoái hóa đối với các loại đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng theo từng loại hình thoái hóa gồm: đất bị suy giảm độ phì; đất bị xói mòn; đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa; đất bị kết von, đá ong hóa; đất bị mặn hóa; đất bị phèn hóa;
    b) Xác định xu hướng, nguyên nhân và dự báo nguy cơ thoái hóa đất;
    c) Khoanh vùng các khu vực đất bị thoái hóa cần xử lý, cải tạo và phục hồi;
    d) Lập bộ bản đồ thoái hóa đất; xây dựng và cập nhật dữ liệu thoái hóa đất vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
    ...

    Như vậy, các nội dung điều tra đánh giá, thoái hóa đất gồm:

    (1) Xác định vị trí, diện tích đất bị thoái hóa đối với các loại đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng theo từng loại hình thoái hóa gồm:

    - Đất bị suy giảm độ phì;

    - Đất bị xói mòn;

    - Đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa;

    - Đất bị kết von, đá ong hóa;

    - Đất bị mặn hóa;

    - Đất bị phèn hóa;

    (2) Xác định xu hướng, nguyên nhân và dự báo nguy cơ thoái hóa đất;

    (3) Khoanh vùng các khu vực đất bị thoái hóa cần xử lý, cải tạo và phục hồi;

    (4) Lập bộ bản đồ thoái hóa đất;

    (5) Xây dựng và cập nhật dữ liệu thoái hóa đất vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

    Thu thập thông tin và khảo sát sơ bộ ngoài thực địa như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 17 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT quy định về thu thập thông tin và khảo sát sơ bộ ngoài thực địa như sau:

    Đối với thu thập thông tin chia ra làm 2 nhóm:

    (1) Thu thập nhóm các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về kết quả điều tra, đánh giá chất lượng đất, thoái hóa đất; kết quả quan trắc chất lượng đất, thoái hóa đất, ô nhiễm đất đã thực hiện trên địa bàn gồm: kết quả điều tra thực địa, dữ liệu trung gian, sản phẩm chính và hồ sơ tài liệu khác.

    (2) Thu thập nhóm các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên; kinh tế - xã hội và tình hình quản lý, sử dụng đất có liên quan đến thoái hóa đất thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 9 của Thông tư 11/2024/TT-BTNMT.

    Đối với khảo sát sơ bộ thực địa:

    (1) Khảo sát sơ bộ xác định hướng tuyến điều tra theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 9 của Thông tư 11/2024/TT-BTNMT.

    (2) Khảo sát sơ bộ các tuyến điều tra để xác định các khu vực có loại hình thoái hóa đặc trưng xuất hiện trên địa bàn theo kết quả điều tra, đánh giá thoái hóa đất đã có trên địa bàn;

    (3) Xây dựng báo cáo kết quả khảo sát sơ bộ.

    Điều tra thực địa phục vụ đánh giá thoái hóa đất như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 20 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT quy định về các bước điều tra thực địa để đánh giá thoái hóa đất như sau:

    (1) Khoanh vùng, xác định vị trí khoanh đất điều tra; rà soát, chỉnh lý ranh giới khoanh đất điều tra theo các đặc điểm về thổ nhưỡng, địa hình, chế độ nước, loại đất, loại hình sử dụng đất, tỷ lệ che phủ đất, phương thức canh tác bảo vệ đất và các đặc trưng của các loại hình thoái hóa lên bản đồ điều tra thực địa theo quy định tại Mục I Phần A Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 11/2024/TT-BTNMT.

    (2) Xác định vị trí điểm điều tra thoái hóa tại thực địa: vị trí các điểm điều tra này trùng với vị trí điểm điều tra phẫu diện quy định tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư 11/2024/TT-BTNMT.

    (3) Điều tra các loại hình thoái hóa và mô tả kết quả điều tra vào bản mô tả đã chuẩn bị tại khoản 3 Điều 19 của Thông tư 11/2024/TT-BTNMT.

    (4) Đối với địa bàn đã thực hiện điều tra, đánh giá thoái hóa đất thì xác định sự thay đổi hiện trạng sử dụng đất và các khu vực thoái hóa theo từng loại hình thoái hóa: điều tra xác định khu vực thoái hóa đất mới, các loại hình thoái hóa đã bị thay đổi mức độ thoái hóa gồm điều tra khoanh vẽ tại thực địa nhằm chỉnh lý ranh giới các khoanh đất được xác định có sự thay đổi về mức độ thoái hóa lên bản đồ điều tra thực địa, mô tả thông tin điều tra các loại hình thoái hóa vào bản mô tả đã chuẩn bị tại khoản 3 Điều 19 của Thông tư 11/2024/TT-BTNMT.

    (5) Chụp ảnh minh họa cảnh quan khu vực, điểm điều tra; thực hiện đo độ ẩm đất, pH đất bằng máy đo cầm tay.

    (6) Rà soát, cập nhật kết quả điều tra thực địa tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này vào bảng dữ liệu điều tra đã tạo lập tại khoản 2 Điều 19 của Thông tư 11/2024/TT-BTNMT.

    41
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ