Nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động xây dựng tại Việt Nam khi được cấp phép hoạt động xây dựng?
Nội dung chính
Nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động xây dựng tại Việt Nam khi được cấp phép hoạt động xây dựng?
Ngày 30/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 175/2024/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng có hiệu lực thi hành từ ngày 30/12/2024.
Trong đó, Điều 113 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định:
Nguyên tắc quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài
1. Nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động xây dựng tại Việt Nam sau khi được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng.
2. Hoạt động của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Căn cứ quy định này, nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động xây dựng tại Việt Nam khi được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp phép hoạt động xây dựng.
Nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động xây dựng tại Việt Nam khi được cấp phép hoạt động xây dựng? (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài gồm những tài liệu nào?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 115 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài gồm những tài liệu như sau:
(1) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng theo Mẫu số 01, Mẫu số 04 Phụ lục III Nghị định 175/2024/NĐ-CP;
(2) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực theo quy định về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hợp pháp;
(3) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực theo quy định giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp;
(4) Biểu báo cáo kinh nghiệm hoạt động liên quan đến các công việc nhận thầu và bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực theo quy định báo cáo tổng hợp kiểm toán tài chính trong 03 năm gần nhất (đối với trường hợp không thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu); đối với nhà thầu thành lập dưới 03 năm thì nộp báo cáo tổng hợp kiểm toán tài chính theo số năm được thành lập;
(5) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực theo quy định Hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc hợp đồng chính thức hoặc hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu phụ Việt Nam để thực hiện công việc nhận thầu (đã có trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu);
(6) Giấy ủy quyền hợp pháp đối với người không phải là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu.
Có những hành vi bị nghiêm cấm nào trong lĩnh vực xây dựng?
Căn cứ quy định tại Điều 12 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung bởi Điều 57 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 và Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2020, có các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực xây dựng như sau:
(1) Quyết định đầu tư xây dựng không đúng với quy định của Luật Xây dựng 2014.
(2) Khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định của Luật Xây dựng 2014.
(3) Xây dựng công trình trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống, trừ công trình xây dựng để khắc phục những hiện tượng này.
(4) Xây dựng công trình không đúng quy hoạch đô thị và nông thôn, trừ trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn; vi phạm chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp.
(5) Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán của công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công trái với quy định của Luật Xây dựng 2014.
(6) Nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng khi không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng.
(7) Chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng.
(8) Xây dựng công trình không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng cho công trình.
(9) Sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, môi trường.
(10) Vi phạm quy định về an toàn lao động, tài sản, phòng, chống cháy, nổ, an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường trong xây dựng.
(11) Sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.
(12) Đưa, nhận hối lộ trong hoạt động đầu tư xây dựng; lợi dụng pháp nhân khác để tham gia hoạt động xây dựng; dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công xây dựng công trình.
(13) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về xây dựng; bao che, chậm xử lý hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng.
(14) Cản trở hoạt động đầu tư xây dựng đúng pháp luật.