Nhà mua trước khi cưới có phải là tài sản chung của vợ chồng không?
Nội dung chính
Nhà mua trước khi cưới có phải là tài sản chung của vợ chồng không?
Theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có 02 trường hợp nhà mua trước khi cưới là tài sản chung của vợ chồng:
(1) Nhà do vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn (là tài sản riêng) nhưng sau khi kết hôn vợ chồng thỏa thuận nhà đó là tài sản chung, thỏa thuận này phải được đăng ký theo quy định.
(2) Nhà do vợ chồng mua trước khi cưới hoặc được tặng cho chung, thừa kế chung trước khi cưới.
Ngoài ra, theo Điều 44 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, vợ hoặc chồng còn có quyền quyết định có nhập hay không nhập phần tài sản riêng này vào tài sản chung của vợ chồng.
Tuy nhiên, pháp luật Hôn nhân và gia đình không quy định thuật ngữ “cưới” mà chỉ quy định thời kỳ hôn nhân, thời điểm đăng ký kết hôn. Trên thực tế nhiều trường hợp đăng ký kết hôn trước thời điểm tổ chức lễ cưới. Do vậy, nhà do vợ chồng mua trước khi cưới nhưng thời điểm mua đã đăng ký kết hôn thì nhà đó là tài sản chung với điều kiện được mua bằng tiền của vợ chồng hoặc bằng tiền được tặng cho chung, thừa kế chung.
Căn cứ Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì không có giá trị pháp lý. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.
Nhà mua trước khi cưới có phải là tài sản chung của vợ chồng không? (Hình từ Internet)
Hồ sơ, thủ tục chuyển tài sản riêng thành tài sản chung của vợ chồng
Tại điểm i khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai 2024 quy định việc thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thỏa thuận của vợ và chồng thuộc trường hợp phải đăng ký biến động.
Theo đó, vợ hoặc chồng muốn chuyển tài sản riêng thành tài sản chung thì phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động.
Căn cứ Điều 29 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký biến động đất đai gồm:
- Đơn đăng ký
- Sổ đỏ đã cấp
- Giấy tờ liên quan đến nội dung biến động như:
+ Văn bản cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất
+ Văn bản xác nhận tình trạng sạt lở tự nhiên do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận
+ Bản vẽ tách thửa, hợp thửa…
- Văn bản đại diện (nếu thực hiện thông qua người đại diện).
Cơ quan nộp hồ sơ
Căn cứ Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, cơ quan tiếp nhận và trả kết quả đăng ký biến động đất đai gồm:
- Với chủ sở dụng đất, chủ sở hữu tài sản trên đất là cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì nộp hồ sơ tại:
+ Bộ phận Một cửa;
+ Văn phòng đăng ký đất đai;
+ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
- Xác định lại diện tích đất ở: Nộp hồ sơ tại Bộ phận Một cửa.
- Nếu là cá nhân nước ngoài, nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì chọn một trong hai địa điểm:
+ Bộ phận Một cửa;
+ Văn phòng đăng ký đất đai;
Thời gian giải quyết thủ tục chuyển tài sản riêng thành tài sản chung của vợ chồng là bao lâu?
Theo khoản 2 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, thời gian giải quyết thủ tục đăng ký biến động trong trường hợp vợ chồng thỏa thuận là không quá 08 ngày làm việc.
Như vậy giải quyết thủ tục chuyển tài sản riêng thành tài sản chung của vợ chồng phải trong thời gian 08 ngày làm việc.