Ngoài Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thì Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai còn bao gồm thành phần nào?

Chuyên viên pháp lý Lê Bá Phong
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trong Hệ thống thông tin quốc gia thực hiện như thế nào? Ngoài Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thì Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai còn thành phần nào?

Nội dung chính

    Việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trong Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thực hiện như thế nào?

    Theo khoản 23 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai là hệ thống tổng hợp các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, dữ liệu được xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước để quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác thông tin đất đai.
    Đồng thời, theo khoản 14 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là tập hợp các cơ sở dữ liệu đất đai trong đó dữ liệu được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, chia sẻ, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử.

    Việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (CSDLQG về đất đai) được thực hiện theo khoản 5 Điều 166 Luật Đất đai 2024 như sau:

    (1) Dữ liệu trong CSDLQG về đất đai có giá trị sử dụng chính thức, tương đương văn bản giấy được cơ quan có thẩm quyền cung cấp;
    (2) Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong CSDLQG về đất đai thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
    (3) Người sử dụng đất được khai thác thông tin của mình trong CSDLQG về đất đai;
    (4) Tổ chức, cá nhân không thuộc quy định tại (2) và (3) có nhu cầu khai thác thông tin trong CSDLQG về đất đai phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý CSDLQG về đất đai;
    (5) Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận, khai thác thông tin, dữ liệu về đất đai theo quy định của pháp luật. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân phản hồi, cung cấp, bổ sung thông tin cho CSDLQG về đất đai;
    (6) Việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu trong CSDLQG về đất đai phải trả phí khai thác, sử dụng tài liệu đất đai và giá cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu về đất đai;
    (7)  Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định giá sản phẩm, dịch vụ gia tăng sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai.

    Như vậy, việc khai thác thông tin, dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trong Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai phải đảm bảo các yêu cầu như trên. Một điểm cần lưu ý là không mặc nhiên tất cả mọi người đều được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai mà cần có sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

    Ngoài Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thì Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai còn bao gồm thành phần nào?

    Ngoài Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thì Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai còn bao gồm thành phần nào?(Hình Internet)

    Ngoài Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thì Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai còn thành phần nào?

    Tại khoản 3 Điều 163 Luật Đất đai 2024 thì Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai bao gồm các thành phần cơ bản sau đây:
    - Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin;
    - Phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai;
    - Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

    Có thể thấy, ngoài Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thì Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai còn có thành phần Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và Phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.

    Theo đó, căn cứ tại khoản 1 và khoản 2 Điều 164 Luật Đất đai 2024 thì Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và Phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được quy định như sau;

    - Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được xây dựng ở trung ương và địa phương, bao gồm tập hợp thiết bị máy chủ, máy trạm, thiết bị kết nối mạng, hệ thống đường truyền, thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn, thiết bị lưu trữ, thiết bị ngoại vi và thiết bị khác.
    - Phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai bao gồm các phần mềm hệ thống, phần mềm tiện ích và phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

    Như vậy, trong Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thì ngoài Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai còn có 02 thành phần quan trọng là Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và Phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.

    Yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là gì?

    Các yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác CSDLQG về đất đai được hướng dẫn cụ thể tại Điều 13, 14, 15 và 16 Thông tư 09/2024/TT-BTNMT như sau:

    (1) Yêu cầu kỹ thuật chung của phần mềm
    - Đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
    - Phù hợp với Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số.
    - Đáp ứng yêu cầu về tính sẵn sàng với giao thức liên mạng trên Internet IPv6.
    - Đáp ứng yêu cầu triển khai trên điện toán đám mây.

    (2) Yêu cầu về giải pháp kỹ thuật công nghệ
    - Tương thích với hạ tầng công nghệ thông tin;
    - Có cam kết, hỗ trợ từ các tổ chức cung cấp nền tảng phát triển ứng dụng, dịch vụ;
    - Đáp ứng về giải pháp truy cập và dịch vụ phân phối dữ liệu;
    - Đáp ứng về giải pháp chia sẻ, tích hợp.

    (3) Yêu cầu về quy mô triển khai
    - Đáp ứng quy mô triển khai trên phạm vi toàn quốc;
    - Đáp ứng phục vụ cho các nhóm người dùng khác nhau trong quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

    (4) Yêu cầu về hiệu năng
    - Đáp ứng các yêu cầu về thời gian xử lý;
    - Đáp ứng yêu cầu về số lượng người dùng truy cập đồng thời vào hệ thống.

    (5) Yêu cầu về chức năng phần mềm
    Phần mềm ứng dụng của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai phải đáp ứng các yêu cầu về chức năng như sau: (i) Quản trị hệ thống và cơ sở dữ liệu; (ii) Quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai của trung ương; (iii) Nghiệp vụ đất đai tại địa phương; (iv) Trao đổi, chia sẻ thông tin dữ liệu đất đai; (v) Hỗ trợ người dùng.

    (6) Yêu cầu về an toàn thông tin
    Phần mềm ứng dụng của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai phải đáp ứng các yêu cầu an toàn thông tin về: xác thực; kiểm soát truy cập; nhật ký hệ thống; an toàn ứng dụng và mã nguồn; bảo mật thông tin liên lạc; sao lưu dự phòng.

    73
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ