Nghị định 101 hướng dẫn Luật Đất Đai 2024 mới nhất? Nghị định 101 hướng dẫn Luật Đất Đai 2024 áp dụng cho đối tượng nào?
Nội dung chính
Nghị định 101 hướng dẫn Luật Đất Đai 2024 mới nhất? Nghị định 101 hướng dẫn Luật Đất Đai 2024 áp dụng cho đối tượng nào?
Ngày 29/07/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 101/2024/NĐ-CP về việc quy định về điều tra cơ bản đất đai; Đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai (hay còn gọi là Nghị định 101 hướng dẫn Luật Đất Đai 2024).
Theo đó, Nghị định 101 hướng dẫn Luật Đất Đai 2024 bao gồm 68 Điều quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, gồm: khoản 4 Điều 50, khoản 1 Điều 55, khoản 5 Điều 131, khoản 7 Điều 135, khoản 10 Điều 138, khoản 6 Điều 139, khoản 7 Điều 140, khoản 3 Điều 142, khoản 4 Điều 170, khoản 2 Điều 181 và các điểm b, c, d, đ, i và k khoản 1 Điều 223 của Luật Đất đai 2024.
Ngoài ra, Nghị định 101 hướng dẫn Luật Đất Đai 2024 còn điều chỉnh việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, Nghị định này được áp dụng đối với những đối tượng như sau:
(1) Cơ quan nhà nước được giao thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.
(2) Người sử dụng đất, người được giao quản lý đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.
(3) Các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất.
Đồng thời, Khoản 1 Điều 67 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định:
Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.
...
Như vậy, Nghị định 101 hướng dẫn Luật Đất Đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/08/2024.
Xem chi tiết Nghị định 101 hướng dẫn Luật Đất Đai 2024.
Nghị định 101 hướng dẫn Luật Đất Đai 2024 mới nhất? Nghị định 101 hướng dẫn Luật Đất Đai 2024 áp dụng cho đối tượng nào? (Hình từ Internet)
Việc đo đạc lập bản đồ địa chính phải tuân thủ các nguyên tắc nào theo Nghị định 101 hướng dẫn Luật Đất Đai 2024?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, việc đo đạc lập bản đồ địa chính phải đảm bảo các nguyên tắc như sau:
(1) Đảm bảo thống nhất trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000;
(2) Phản ánh trung thực, khách quan hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng quản lý đất và ghi nhận tình trạng pháp lý của thửa đất tại thời điểm đo đạc;
(3) Ưu tiên ứng dụng công nghệ mới đảm bảo hiệu quả kinh tế, phù hợp với khu vực đo đạc và quy định kỹ thuật về đo đạc lập bản đồ địa chính;
(4) Bản đồ địa chính sau khi được phê duyệt phải đưa vào sử dụng cho công tác quản lý đất đai.
Hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính bao gồm những nội dung nào theo Nghị định 101 hướng dẫn Luật Đất Đai 2024?
Khoản 2 Điều 4 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định:
Nội dung và hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính
...
2. Hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính gồm:
a) Đo đạc lập mới bản đồ địa chính đối với khu vực chưa có bản đồ địa chính gắn với hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia;
b) Đo đạc lập lại bản đồ địa chính đối với khu vực đã có bản đồ địa chính nhưng đã thay đổi ranh giới của 75% thửa đất trở lên khi thực hiện dồn điền, đổi thửa; khu vực chỉ có bản đồ địa chính dạng giấy đã rách nát, hư hỏng không thể khôi phục và không thể sử dụng để số hóa; khu vực đã có bản đồ địa chính được lập bằng phương pháp ảnh hàng không, phương pháp bàn đạc bằng máy kinh vĩ quang cơ có tỷ lệ bản đồ nhỏ hơn so với tỷ lệ bản đồ cần đo vẽ theo quy định; khu vực đã thực hiện quy hoạch sử dụng đất để hình thành các khu trung tâm hành chính, khu đô thị, khu dân cư, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp;
c) Đo đạc bổ sung bản đồ địa chính thực hiện đối với khu vực đã có bản đồ địa chính nhưng chưa đo vẽ khép kín phạm vi đơn vị hành chính, bao gồm cả khu vực đã đo khoanh bao trên mảnh bản đồ địa chính trước đó nhưng chưa đo chi tiết đến từng thửa đất;
d) Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính thực hiện với khu vực đã có bản đồ địa chính khi có sự thay đổi một trong các yếu tố về hình dạng, kích thước, diện tích thửa đất và các yếu tố khác có liên quan đến nội dung bản đồ địa chính;
đ) Số hóa, chuyển hệ tọa độ bản đồ địa chính thực hiện ở những khu vực chỉ có bản đồ địa chính giấy lập trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ HN-72 nay chuyển thành bản đồ địa chính số trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000 (sau đây gọi là hệ VN-2000);
e) Trích đo bản đồ địa chính được thực hiện riêng đối với từng thửa đất hoặc nhiều thửa đất trong phạm vi một mảnh trích đo bản đồ địa chính theo tỷ lệ cần thành lập đối với nơi chưa có bản đồ địa chính.
...
Như vậy, theo Nghị định 101 hướng dẫn Luật Đất Đai 2024, hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính gồm những nội dung như trên.