Mùng 2 Tết 2025 là ngày bao nhiêu dương lịch? Mùng 2 Tết gì?
Nội dung chính
Mùng 2 Tết 2025 là ngày bao nhiêu dương lịch? Mùng 2 Tết gì?
Tết Âm lịch 2025 còn được gọi là Tết Nguyên đán, Tết Âm hay Tết Cổ truyền, là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất của người Việt Nam, đánh dấu thời điểm gia đình đoàn tụ, cầu chúc cho một năm mới bình an, may mắn và thịnh vượng.
Trong đó, mùng 2 Tết 2025 năm nay rơi vào ngày 30 tháng 01 năm 2025 theo Dương lịch. Xem lịch cụ thể dưới đây:
STT | TẾT ÂM LỊCH 2025 | NGÀY DƯƠNG LỊCH |
1 | Ngày 27 | Ngày 26/01 |
2 | Ngày 28 | Ngày 27/01 |
3 | Ngày 29 | Ngày 28/01 |
4 | Mùng 1 | Ngày 29/01 |
5 | Mùng 2 | Ngày 30/01 |
6 | Mùng 3 | Ngày 31/01 |
7 | Mùng 4 | Ngày 01/02 |
8 | Mùng 5 | Ngày 02/02 |
9 | Mùng 6 | Ngày 03/02 |
10 | Mùng 7 | Ngày 04/02 |
11 | Mùng 8 | Ngày 05/02 |
Như vậy, mùng 2 Tết 2025 tương ứng ngày 30 tháng 01 năm 2025 theo Dương lịch.
Trong Tết Âm lịch, mỗi ngày tết thường tương ứng với một ý nghĩa nhất định. Trong dân gian thường lưu truyền câu "mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy".
Do vậy, mùng 2 Tết 2025 nói riêng hay mùng 2 Tết nói chung thường được biết đến là Tết mẹ.
Mùng 2 Tết 2025 là ngày bao nhiêu dương lịch? Mùng 2 Tết gì? (Hình từ Internet)
Tết Âm lịch 2025 có phải là ngày lễ lớn không?
Căn cứ vào Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP quy định về các ngày lễ lớn như sau:
Các ngày lễ lớn
Các ngày lễ lớn trong nước bao gồm:
1. Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch).
2. Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930).
3. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch).
4. Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
5. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954).
6. Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890).
7. Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).
Như vậy Tết Âm lịch 2025 hay Tết Nguyên đán được xem là một trong những ngày lễ lớn. Cụ thể là ngày 01 tháng Giêng Âm lịch.
Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 theo yêu cầu của Thủ Tướng
Ngày 15/01/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện 02/CĐ-TTg năm 2025 về việc đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trong đó, Công điện 02/CĐ-TTg năm 2025 nêu rõ: Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang đến gần, kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng trong dịp Tết cũng như những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước. Đồng thời, cần thúc đẩy sản xuất, đảm bảo nguồn cung ứng đầy đủ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa hay gián đoạn nguồn cung, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng hệ thống phân phối và thị phần thông qua các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng như tổ chức hội chợ, triển lãm trong nước.
Công điện nhấn mạnh việc tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối cung-cầu quy mô lớn ở cả ba miền, cùng với các hội chợ vùng miền, nhằm tạo cơ hội cho các đơn vị cung ứng và sản xuất tại địa phương tham gia. Đồng thời, cần triển khai các chương trình khuyến mại thiết thực cho người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ lượng tiêu thụ hàng hóa trong nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ tích cực triển khai các chương trình và sự kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động mua bán, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước trên các nền tảng số hóa và thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng trong thương mại điện tử, xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới với các nước trong khu vực cũng như các thị trường nhập khẩu lớn. Bộ cũng cần nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, tăng cường phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa.
Đối với Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng điều hành chính sách tài khóa mở rộng một cách hợp lý, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách giảm thuế, phí và lệ phí cho người dân, doanh nghiệp, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong tháng 02/2025. Đặc biệt, cần theo dõi sát sao diễn biến giá cả thị trường, nhất là đối với các mặt hàng và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá. Kịp thời chỉ đạo và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đảm bảo tuân thủ đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.
Thủ tướng cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục hành chính, và nỗ lực phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Việc này nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao sinh kế cho người dân, đặc biệt trong việc giảm lãi suất cho vay tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu vào các lĩnh vực kinh tế mới nổi.