Mức phí thăm quan Dinh Độc Lập là bao nhiêu? Đất Dinh Độc Lập thuộc nhóm đất nào?

Mức phí thăm quan Dinh Độc Lập là bao nhiêu? Vậy theo quy định của pháp luật thì đất Dinh Độc Lập thuộc nhóm đất nào?

Nội dung chính

    Mức phí thăm quan Dinh Độc Lập là bao nhiêu?

    Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 182/2016/TT-BTC quy định về mức thu phí như sau:

    Mức thu phí
    Mức thu phí được quy định như sau:
    1. Đối với người lớn: 40.000 đồng/người/lượt.
    2. Đối với sinh viên, học sinh (học viên) trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường dạy nghề: 20.000 đồng/người/lượt.
    Sinh viên, học sinh (học viên) là người có thẻ sinh viên, học sinh, học viên do các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam cấp.
    3. Đối với trẻ em; học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông: 10.000 đồng/người/lượt.
    a) Trẻ em tại khoản 3 Điều này là người từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi. Trường hợp khó xác định là người dưới 16 tuổi phải xuất trình giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc bất kỳ một giấy tờ khác chứng minh là người dưới 16 tuổi.
    b) Học sinh là người có thẻ học sinh do các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam cấp.
    4. Mức phí quy định tại Điều này không bao gồm các dịch vụ khác theo yêu cầu của khách thăm quan.

    Như vậy theo đó thì vé vào cổng đối với người lớn là 40.000 đồng/người/lượt; đối với sinh viên, học sinh là 20.000 đồng/người/lượt và đối với trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông: 10.000 đồng/người/lượt.

    Mức phí thăm quan Dinh Độc Lập là bao nhiêu? Đất Dinh Độc Lập thuộc nhóm đất nào?Mức phí thăm quan Dinh Độc Lập là bao nhiêu? Đất Dinh Độc Lập thuộc nhóm đất nào? (Hình ảnh từ Internet)

    Đất Dinh Độc Lập thuộc nhóm đất nào?

    Dinh Độc Lập là công trình đã chứng kiến những biến động lịch sử quan trọng của Sài Gòn. Trước năm 1975, Dinh là nơi sinh sống và làm việc của Tổng thống miền Nam Việt Nam. Ngày 30/04/1975 Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam đã cắm lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng lên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo đó, ngày 25/6/1976 Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia bằng Quyết định số 77A/VHQĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Ngày nay, Dinh Ðộc Lập là di tích quốc gia đặc biệt được đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan và là nơi hội họp, tiếp khách của các cấp lãnh đạo trung ương cũng như của thành phố.

    Căn cứ vào khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Phân loại đất
    3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
    a) Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
    b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
    c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, an ninh);
    d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;
    đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;
    e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;
    g) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng);
    h) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;
    i) Đất có mặt nước chuyên dùng;
    k) Đất phi nông nghiệp khác.

    Bên cạnh đó, căn cứ thêm vào khoản 1 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định thì việc phân loại đất sẽ căn cứ vào mục đích sử dụng. Theo đó, đất đai được phân loại bao gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng.

    Như vậy, do Dinh Độc Lập là di tích lịch sử đã được công nhận nên đất Dinh Độc Lập là đất có di tích lịch sử văn hóa nên thuộc đất sử dụng vào mục đích công cộng. Do đó, khi căn cứ vào mục đích sử dụng thì đất Dinh Độc Lập thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.

    Đất Dinh Độc Lập có thuộc trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không?

    Căn cứ vào khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Giao đất không thu tiền sử dụng đất
    2. Đất xây dựng trụ sở cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật và được Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên; đất quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, đất cơ sở lưu giữ tro cốt không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 119 của Luật này; đất tín ngưỡng để bồi thường cho trường hợp Nhà nước thu hồi đất tín ngưỡng.

    Như vậy, từ quy định trên có thể thấy việc xác định đất có di tích lịch sử văn hóa có thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hay không phụ thuộc vào đất có di tích lịch sử văn hóa có nhằm mục đích kinh doanh hay không.

    31