Mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo Quyết định 07 tỉnh Đắk Nông?
Nội dung chính
Mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo Quyết định 07 tỉnh Đắk Nông?
Ngày 07/02/2025, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định 07/2025/QĐ-UBND quy định các trường hợp không có tính khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
Theo đó, Điều 1 Quyết định 07/2025/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Nông về Phạm vi điều chỉnh quy định về các trường hợp không có tính khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với hành vi hủy hoại đất xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Nông theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP.
Đồng thời Điều 2 Quyết định 07/2025/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Nông quy định Đối tượng áp dụng như sau:
- Người sử dụng đất có hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP
- Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
- Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
- Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo Quyết định 07 tỉnh Đắk Nông? (hình từ internet)
Quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm
Căn cứ Điều 4 Quyết định 07/2025/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Nông quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm
- Đối với hành vi làm suy giảm chất lượng đất, thì mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu là đưa đất về sử dụng đúng với loại đất, mục đích, hiện trạng sử dụng trước khi vi phạm.
- Đối với hành vi làm biến dạng địa hình đất thì mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu là đào, san lấp để hạ thấp, nâng cao bề mặt đất; đưa độ dốc của đất về như ban đầu trước khi vi phạm hoặc tương đương với địa hình ban đầu.
Ngoài ra, Điều 5 Quyết định 07/2025/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Nông Các trường hợp không có tính khả thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm như sau:
(1) Đối với hành vi làm suy giảm chất lượng đất gồm các trường hợp sau đây:
- Diện tích đất vi phạm tại nơi trũng thấp, thường xuyên bị nước mưa rửa trôi đất nông nghiệp;
- Diện tích đất vi phạm đã mất kết cấu tự nhiên, không thể canh tác, không còn khả năng sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;
- Diện tích đất nông nghiệp vi phạm tại thời điểm vi phạm không còn quy hoạch để sử dụng vào mục đích nhóm đất nông nghiệp.
(2) Đối với hành vi làm biến dạng địa hình đất gồm các trường hợp sau đây:
- Thay đổi độ dốc bề mặt đất, hạ thấp bề mặt đất; san lấp nâng cao, hạ thấp bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà không ảnh hưởng đến thửa đất liền kề, không ảnh hưởng đến an toàn chịu lực, quá trình vận hành, khai thác của công trình đường bộ, hạ tầng kỹ thuật của ngành bưu chính, viễn thông, điện, nước và người sử dụng đất đang tiếp tục sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định;
- Việc khôi phục tình trạng ban đầu của đất sẽ gây ra hiện tượng sạt lở, bồi đắp dòng chảy tự nhiên; mất an toàn giao thông; ảnh hưởng đến an toàn chịu lực, quá trình vận hành, khai thác của công trình đường bộ và hạ tầng kỹ thuật khác; gây cản trở, khó khăn đối với việc sử dụng đất, công trình hợp pháp của thửa đất liền kề và xung quanh;
- Không có mỏ đất để khắc phục đối với trường hợp hạ thấp bề mặt của đất; không có bãi đổ thải để đổ đất đối với hành vi san lấp nâng cao;
- Diện tích đất vi phạm là đất có mặt nước chuyên dùng, đất nuôi trồng thủy sản mà tại thời điểm vi phạm không còn quy hoạch để sử dụng vào mục đích mặt nước chuyên dùng, đất nuôi trồng thủy sản;
- Không thể áp dụng được các biện pháp kỹ thuật, phương tiện để khôi phục lại diện tích đất vi phạm trở lại địa hình tự nhiên, trạng thái vốn có của đất trước khi vi phạm.