Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Mua nhà ở phục vụ tái định cư không thuộc tài sản công của tổ chức bắt buộc phải có Giấy chứng nhận không?

Giao dịch mua nhà ở phục vụ tái định cư không thuộc tài sản công của tổ chức bắt buộc phải có Giấy chứng nhận không? Có cần phải công chứng hợp đồng không?

Nội dung chính

    Giao dịch mua bán nhà ở phục vụ tái định cư không thuộc tài sản công của tổ chức bắt buộc phải có Giấy chứng nhận không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 160 Luật Nhà ở 2023 quy định:

    Điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch
    ...
    2. Giao dịch về nhà ở sau đây thì nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận:
    a) Mua bán, thuê mua, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; bán nhà ở trong trường hợp giải thể, phá sản;
    b) Tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;
    c) Mua bán, thuê mua nhà ở có sẵn của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong các trường hợp sau đây: nhà ở thuộc tài sản công; nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư không thuộc tài sản công;
    d) Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở;
    đ) Nhận thừa kế nhà ở.
    Giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của Chính phủ.
    ...

    Như vậy, giao dịch mua bán nhà ở tái định cư không thuộc tài sản công của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận.

    Mua nhà ở phục vụ tái định cư không thuộc tài sản công của tổ chức bắt buộc phải có Giấy chứng nhận không?Mua nhà ở phục vụ tái định cư không thuộc tài sản công của tổ chức bắt buộc phải có Giấy chứng nhận không? (Ảnh từ Internet)

    Mua nhà ở phục vụ tái định cư của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có cần phải công chứng hợp đồng không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 164 Luật Nhà ở 2023 quy định:

    Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở
    1. Trường hợp mua bán, thuê mua, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở thì phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
    Đối với giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm hoàn thành việc công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
    2. Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; mua bán, thuê mua nhà ở thuộc tài sản công; mua bán, thuê mua nhà ở mà một bên là tổ chức, bao gồm: nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; thuê, mượn, ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
    ...

    Như vậy, hợp đồng mua nhà ở phục vụ tái định cư của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không bắt buộc phải công chứng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

    Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư được quy định ra sao?

    Căn cứ Điều 51 Luật Nhà ở 2023 thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư quy định như sau:

    (1) Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư bao gồm Ban quản lý dự án chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trừ trường hợp quy định tại (4), việc quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư được thực hiện theo quy định tại (2) và (3)

    (2) Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư có sử dụng vốn đầu tư công thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh đề xuất một trong các đơn vị quy định tại (1) làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

    (3) Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư không thuộc nguồn vốn quy định tại (2) thì thẩm quyền quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được quy định như sau:

    - Trường hợp xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư cho dự án quan trọng quốc gia thì Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở;

    - Trường hợp xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư cho dự án không thuộc trường hợp quy định trên thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;

    - Trường hợp pháp luật quy định phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì thực hiện theo quy định đó.

    (4) Đối với trường hợp giải tỏa, phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại nhà chung cư thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được thực hiện theo quy định tại Điều 68 Luật Nhà ở 2023.

    3