Mẫu hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai mới nhất năm 2025
Nội dung chính
Có được ủy quyển giải quyết tranh chấp đất đai không?
Tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Đồng thời, khoản 47 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về những công việc nào được ủy quyền, pháp luật chỉ có quy định về một số công việc không được thực hiện ủy quyền như ly hôn, đăng ký kết hôn, thực hiện nhận cha mẹ con… trong đó không bao gồm việc ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Theo đó, khi một người có nhu cầu, họ hoàn toàn được phép ủy quyền cho một người khác để thay mình thực hiện công việc giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định pháp luật.
Mẫu hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai mới nhất năm 2025 (Hình từ Internet)
Mẫu hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai mới nhất năm 2025 và hướng dẫn cách sử dụng mẫu đơn
Pháp luật hiện hành không có quy định về mẫu hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Người đọc có thể tham khảo và tải về Mẫu hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai mới nhất năm 2025 Tại đây
Hướng dẫn cách sử dụng mẫu đơn
(1) Thông tin về các bên trong văn bản uỷ quyền gồm:
Họ và tên, địa chỉ, số Căn cước công dân/Căn cước hộ chiếu còn thời hạn sử dụng kèm theo nơi cấp và ngày cấp, địa chỉ đăng ký thường trú hoặc địa chỉ đăng ký tạm trú (nếu không có nơi đăng ký thường trú), số điện thoại, email, fax của các bên (nếu có).
(2) Phạm vi hay còn gọi là nội dung uỷ quyền
Tại mục này, bắt buộc phải nêu rõ những nội dung mà các bên thoả thuận về việc uỷ quyền giải quyết tranh chấp đất đai:
Uỷ quyền thực hiện công việc nào, giai đoạn nào, làm việc với cơ quan nào, thủ tục nào…
(3) Thời hạn uỷ quyền
Thời hạn uỷ quyền để giải quyết tranh chấp đất đai sẽ do các bên thoả thuận hoặc thực hiện cho đến khi thực hiện hoàn tất phạm vi uỷ quyền nêu trên.
(4) Thù lao uỷ quyền
Có thể có thù lao hoặc không tuỳ theo thoả thuận của các bên. Nếu có thù lao hoặc thù lao được tính theo từng giai đoạn thì các bên cũng phải ghi rõ trong hợp đồng. Ngược lại, nếu không có thù lao thì các bên cũng phải nêu rõ văn bản uỷ quyền này không có thù lao.
(5) Quyền, nghĩa vụ của các bên
Ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các bên theo thỏa thuận để tránh phát sinh tranh chấp.
(6) Giải quyết tranh chấp
Nếu việc uỷ quyền có tranh chấp xảy ra thì trong văn bản uỷ quyền cũng nêu rõ hình thức giải quyết tranh chấp.
(7) Có thể thỏa thuận bổ sung thêm các điều khoản như bất khả kháng hay phạt vi phạm theo nhu cầu các bên.
Hồ sơ công chứng hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 40 và khoản 1 Điều 41 Luật Công chứng 2014, hồ sơ công chứng hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
Trường hợp 1: Hồ sơ công chứng hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai đã được soạn thảo sẵn
(1) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
(2) Dự thảo hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai;
(3) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng (CCCD/Thẻ căn cước/Hộ chiếu,...)
Lưu ý: CCCD phải còn thời hạn sử dụng, nếu hết thời hạn sử dụng phải làm lại thẻ căn cước để thực hiện công chứng.
(4) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
Trường hợp 2: Hồ sơ công chứng hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai chưa được soạn thảo
Hồ sơ công chứng hợp đồng mua bán đất chưa được soạn thảo gồm các giấy tờ tại (1), (3), (4) và nêu nội dung, ý định giao kết hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Lưu ý: Bản sao là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực (khoản 2 Điều 40 Luật Công chứng 2014).