Lập di chúc để lại tài sản là quyền sử dụng đất đang bị thế chấp tại ngân hàng cho con được không?
Nội dung chính
Thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng mà giờ muốn lập di chúc để lại quyền sử dụng đất đó cho con có được không?
Căn cứ khoản 1 Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015, thế chấp tài sản được hiểu là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 8 Điều 320 và khoản 4, khoản 5 Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015, bên thế chấp không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp nhưng có quyền sau:
- Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.
Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
- Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
Theo các quy định nêu trên thì pháp luật hiện hành không cấm bên thế chấp lập di chúc để lại di sản thừa kế là tài sản thế chấp. Vì về nguyên tắc, trong giao dịch thế chấp tài sản thì bên thế chấp vẫn là chủ sở hữu tài sản thế chấp và có quyền định đoạt tài sản của họ ngoại trừ các trường hợp định đoạt tài sản gây ảnh hưởng tới quyền lợi của các bên còn lại trong giao dịch thế chấp.
Như vậy, bên thế chấp vẫn có quyền lập di chúc để lại tài sản là quyền sử dụng đất đang bị thế chấp tại ngân hàng cho con của mình.
Thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng mà giờ muốn lập di chúc để lại quyền sử dụng đất đó cho con có được không? (Hình từ Internet)
Trường hợp bên thế chấp quyền sử dụng đất chết mà khoản nợ đối với ngân hàng vẫn còn thì xử lý thế nào?
Theo quy định tại Điều 327 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch thế chấp tài sản chấm dứt trong các trường hợp sau:
- Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt.
- Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
- Tài sản thế chấp đã được xử lý.
- Theo thỏa thuận của các bên.
Theo đó thì trường hợp bên thế chấp chết vẫn không làm chấm dứt quan hệ thế chấp diễn ra giữa bên thế chấp và ngân hàng.
Bên cạnh đó, tại Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:
Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
…
Căn cứ quy định trên thì nghĩa vụ trả nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp không chấm dứt mà được chuyển giao cho những người hưởng di sản thừa kế. Theo đó, những người thừa kế sẽ tự thỏa thuận với nhau để người quản lý di sản thanh toán khoản nợ do người chết để lại trong trường hợp di sản chưa được chia. Trong trường hợp di sản đã được chia thì khoản nợ đối với ngân hàng sẽ được từng người thừa kế thanh toán tương ứng với phần tài sản mình nhận được (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).
Di chúc để lại tài sản là quyền sử dụng đất có cần phải công chứng không?
Tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau:
(1) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
(2) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Trong đó, hình thức của di chúc theo quy định có 2 loại là di chúc bằng văn bản (Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015) và di chúc miệng (Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015)
Bên cạnh đó, tại khoản 3 và khoản 4 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định rằng di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Đối với di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện nêu trên.
Như vậy, di chúc để lại tài sản là quyền sử dụng đất chỉ bắt buộc công chứng trong trường hợp là di chúc bằng văn bản của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ do người làm chứng lập. Đối với các trường hợp di chúc bằng văn bản khác thì không bắt buộc phải công chứng nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Lưu ý: Để tránh phát sinh tranh chấp và đảm bảo tính pháp lý cho di chúc, người lập di chúc để lại quyền sử dụng đất nên thực hiện việc công chứng di chúc mặc dù việc này là không bắt buộc.