Khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực nào sẽ trở thành quận, phường?
Nội dung chính
Đến năm 2030, định hướng Việt Nam sẽ có bao nhiêu đô thị trực thuộc trung ương và thành phố trực thuộc trung ương?
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024, phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Căn cứ phụ lục I kèm theo Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024, danh mục các đô thị trực thuộc Trung ương hoặc tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như sau:
Như vậy, theo quy hoạch, có 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm Thủ đô Hà Nội, TP. HCM (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại đặc biệt), Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).
8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).
Lập Hội đồng thẩm định Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương như thế nào?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 926/QĐ-TTg năm 2024 về việc thành lập Hội đồng thẩm định Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Theo quy định tại Điều 1 Quyết định 926/QĐ-TTg năm 2024 thì:
(1) Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Chủ tịch Hội đồng.
(2) Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
(3) Các Ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo văn phòng Chính phủ và các Bộ: Nội vụ; Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Tư pháp; Giao thông vận tải; Quốc phòng; Công an; Tài chính; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Quyết định 926/QĐ-TTg năm 2024, Hội đồng thẩm định hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương được Chính phủ thông qua.
Bộ Nội vụ là cơ quan Thường trực của Hội đồng, tổng hợp, dự thảo kết quả thẩm định của Hội đồng bảo đảm đúng quy định của pháp luật, báo cáo Chủ tịch Hội đồng.
Kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định do ngân sách nhà nước cấp, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của Bộ Nội vụ và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương khu vực nào sẽ trở thành quận, phường? (Hình Internet)
Khu vực nào sẽ trở thành quận, phường khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?
Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Quyết định 844/QĐ-BXD năm 2024, công nhận 2 khu vực dự kiến thành lập quận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, cụ thể như sau:
(1) Khu vực dự kiến thành lập quận Thuận Hóa gồm toàn bộ địa giới hành chính các phường: Phú Hội, Phú Nhuận, Vĩnh Ninh, Phường Đúc, Thuỷ Xuân, Trường An, Phước Vĩnh, An Cựu, An Đông, An Tây, Xuân Phú, Vỹ Dạ, Thuỷ Vân, Phú Thượng, Thuận An, Thuỷ Biều và các xã: Hải Dương, Phú Thanh, Phú Mậu, Phú Dương, Thuỷ Bằng, Hương Phong thuộc thành phố Huế;
(2) Khu vực dự kiến thành lập quận Phú Xuân gồm toàn bộ địa giới hành chính các phường; Đông Ba, Gia Hội, Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Hoà, Phú Hậu, Hương Vinh, Hương Sơ, An Hoà, Hương Long, Hương An, Kim Long, Hương Hồ và xã Hương Thọ thuộc thành phố Huế.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 2 Quyết định 844/QĐ-BXD năm 2024, Bộ Xây dựng công nhận 4 khu vực dự kiến thành lập phường thuộc khu vực dự kiến thành lập quận Thuận Hoá đạt các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với phường của đô thị loại I, cụ thể như sau:
(1) Khu vực dự kiến thành lập phường Thuận An gồm toàn bộ địa giới hành chính của phường Thuận An và xã Hải Dương;
(2) Khu vực dự kiến thành lập phường Dương Nỗ gồm toàn bộ địa giới hành chính của xã Phú Thanh, xã Phú Mậu và xã Phú Dương;
(3) Khu vực dự kiến thành lập phường Thuỷ Bằng gồm toàn bộ địa giới hành chính của xã Thuỷ Bằng;
(4) Khu vực dự kiến thành lập phường Hương Phong gồm toàn bộ địa giới hành chính của xã Hương Phong.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 3 Quyết định 844/QĐ-BXD năm 2024, Bộ Xây dựng công nhận khu vực dự kiến thành lập phường Long Hồ gồm toàn bộ địa giới hành chính của phường Hương Hồ và xã Hương Thọ thuộc khu vực dự kiến thành lập quận Phú Xuân đạt các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với phường của đô thị loại I.